Tăng cường phòng, chống dịch bệnh mùa Hè
Mùa hè là thời điểm dễ bùng phát các dịch bệnh liên quan đến lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa và các bệnh do muỗi gây ra. Cùng với việc tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, người dân cần tăng cường phòng, chống các dịch bệnh mùa hè như Tay - Chân - Miệng(TCM), Sốt xuất huyết, Viêm não...
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thái Bình,trong tháng 5/2021, trên địa bàn tỉnh không có dịch lớn xảy ra, tại các bệnh viện của tỉnh có 25 ca bệnh truyền nhiễm trong đó 17 trường hợp Viêm gan B, 07 trường hợp mắc TCM,...
Các cấp, ngành, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch bệnh mùa Hè vì nếu chỉ tập trung phòng, chống dịch COVID-19 mà bỏ quên các nguy cơ gây ra dịch bệnh thì tình trạng “dịch chồng dịch” hoàn toàn có thể xảy ra.
Để chủ động phòng, chống dịch mùa Hè, ngày 01/4/2021, Bộ Y tế đã ban hành Công văn gửi các tỉnh, thành phố đề nghị các cấp, ngành, tổ chức chính trị, chính trị-xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh mùa Hè trên địa bàn. Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; các địa phương cần củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khống chế ổ dịch. Đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn...
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, các địa phương phải tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát, phát hiện và điều trị bệnh ở tất cả các tuyến y tế, nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế. Các cơ sở y tế cần tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân.Thực hiện tốt phòng, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, nhất là phòng, chống lây nhiễm chéo giữa bệnh TCM với bệnh sởi, viêm phổi, bệnh viêm đường hô hấp...Tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường nhân Ngày ASEAN phòng, chống Sốt xuất huyết 15/6, Ngày Vệ sinh môi trường 24 hàng tháng và các hình thức phù hợp với thực tế tại địa phương; chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước là nơi muỗi truyền bệnh Sốt xuất huyết đẻ trứng.
Bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế, các cấp, ngành, công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Hè còn cần có sự tham gia tích cực của người dân. Đối với những bệnh truyền nhiễm đã có vaccine phòng bệnh thì mọi người dân, đặc biệt là bà mẹ có con dưới 5 tuổi cần cho con tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.
Một số bệnh thường gặp trong mùa hè và cách phòng tránh
- Bệnh Sốt xuất huyết: : Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do vi rus Dengue gây ra, bệnh do muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn truyền nhiễm cho người. Bệnh có thể diễn tiến đến các biến chứng nguy hiểm và thậm chí tử vong.Sốt xuất huyết nguy hiểm nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Loại muỗi vằn này thường sinh sôi tại các ao tù, chum, vại để ngoài trời.Để phòng tránh bệnh Sốt xuất huyết cần phát quang bụi rậm, dọn sạch vườn tược và loại bỏ tất cả các nơi mà muỗi có thể trú ngụ và đẻ trứng. Nằm màn tránh mỗi đốt. Khi có dấu hiệu sốt cao đột ngột, đau đầu, đau cơ, xuất huyết dưới da, niêm mạc…nghi Sốt xuất huyết phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.
- Bệnh Tay - Chân - Miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi gây ra bởi virus. Có hai loại virus gây bệnh chính là Coxsackievirus và Enterovirus. Đây là bệnh truyền nhiễm có thể lây lan bùng phát thành dịch, lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp và đường tiêu hóa. Virus gây bệnh tồn tại trong nước bọt, dịch hắt hơi, sổ mũi, phân, dịch vỡ bóng nước trên da, niêm mạc...Trẻ hắt hơi, chảy mũi, ngậm mút đồ chơi chung với nhau là con đường lây truyền thuận lợi. Khi bị phát tán ra ngoài, virus vẫn có thể tồn tại khá lâu trong môi trường nhiệt độ phòng, bám lên đồ dùng, đồ chơi, sàn nhà, cốc chén, khăn, quần áo. Nếu một trẻ khỏe mạnh tiếp xúc chung trong môi trường này thì rất dễ bị lây nhiễm.
Trẻ bị TCM,thường có sốt nhẹ, kèm theo đau họng, đau miệng, chảy nước miếng và biếng ăn hơn. Trong miệng trẻ có thể có những vết loét đỏ như lở miệng. Những vết phát ban dạng phỏng nước còn xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối và mông của trẻ. Trường hợp nặng có thể dẫn đến lừ đừ, run các chi, rung giật cơ, nhịp tim mạch nhanh, thở nhanh...
Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy, để chủ động phòng chống bệnh TCM, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước các bữa ăn, sau khi đi vệ sinh; Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi; Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà; Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
- Ngoài ra, để phòng các bệnh: Sởi, Viêm não Nhật Bản, Cúm, Thuỷ đậu, Quai bị... các bậc phụ huynh cần tiêm chủng đầy đủ cho trẻ.
Như vậy, để chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mùa Hè, mỗi người cần giữ vệ sinh cá nhân, thực hiện vệ sinh môi trường, ăn uống đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, tập thể dục phù hợp với sức khoẻ và lứa tuổi để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Chăm sóc trẻ nhỏ đúng cách. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát./.