• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguyên nhân và các biện pháp phòng bệnh Tăng huyết áp

Tăng huyết áp (THA) là căn bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay.

Huyết áp được xác định bằng lượng máu bơm vào tim và sự đáp ứng lưu lượng máu đó trong động mạch. Càng nhiều máu bơm tim và động mạch hẹp lại, huyết áp càng cao. Huyết áp được đo bằng hai chỉ số là huyết áp tâm thu (áp lực đẩy máu vào động mạch, tim co bóp) và huyết áp tâm trương (huyết áp khi cơ tim giãn nghỉ).

Theo Liên uỷ ban Quốc gia Hoa Kỳ (United States, Joint National Committee viết tắt là JNC) - JNC 7:

HA bình th­ường:  < 120/80.

Tiền tăng huyết áp: 120 – 139/ 80 – 89.

Tăng huyết áp: 140/90.

Tăng huyết áp độ 1: 140 – 159/90 – 99.

Tăng huyết áp độ 2:  160/ 100.

Bệnh nhân được xác định bị Tăng huyết áp khi: chỉ số huyết áp tâm thu từ >=140 mmHg và tâm trương >=90mmHg (mmHg là milimet thủy ngân, đây là đơn vị dùng để đo huyết áp).

Dấu hiệu của THA

-  Thường không có dấu hiệu gì.

-  Có thể có các biểu hiện như chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu, hồi hộp…

-  Đi khám vì xuất hiện các biến chứng của bệnh: tai biến mạch não…

Nguyên nhân gây bệnhTăng huyết áp:

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến THA, chia thành hai loại, đó là: THA nguyên phát và THA thứ phát. 

Trong đó, khoảng 90 - 95% là tăng huyết áp nguyên phát mà các nguyên nhân không xác định được. Còn lại là tăng huyết áp thứ phát khi có những nguyên nhân rõ ràng, có thể từ tim mạch, hoặc nguyên nhân do các bệnh khác liên quan đến tim mạch, thận. Có một vài yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh THA. Chúng được gọi là yếu tố nguy cơ.

Tuổi già: Khi cơ thể già đi theo thời gian, mạch máu cũng sẽ mất dần độ đàn hồi và dẫn đến nguy cơ cao huyết áp nguyên phát. Theo nghiên cứu, phụ nữ từ 60 tuổi trở lên có nguy cơ bị tăng huyết áp nguyên phát nhiều hơn so với nam giới cùng nhóm tuổi.

Di truyền: Nhiều người có quan niệm sai lầm rằng, tăng huyết áp nguyên phát chỉ xuất hiện ở người trưởng thành nhưng trên thực tế, số trẻ em mắc căn bệnh này đang ngày một gia tăng. Sở dĩ có hiện tượng tăng huyết áp nguyên phát ở người trẻ là do yếu tố tiền sử gia đình và yếu tố di truyền.

Đái tháo đường và béo phì: Lối sống không lành mạnh cộng với chế độ dinh dưỡng mất cân đối và thói quen ít vận động đang làm gia tăng số lượng người mắc bệnh Đái tháo đường và Béo phì. Hai căn bệnh này là nguyên nhân gây Tăng huyết áp nguyên phát nói riêng và Tăng huyết áp nói chung.

Tiêu thụ quá nhiều muối: Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra rằng, gần 1/3 số trường hợp bị Tăng huyết áp nguyên phát có liên hệ mật thiết với tình trạng tiêu thụ quá nhiều muối. Muối làm tăng tình trạng giữ nước, dẫn đến Tăng huyết áp.

Sử dụng quá nhiều rượu, bia và thuốc lá cũng làm gia tăng nguy cơ bị tăng huyết áp.

Phòng và điều trị bệnh THA

Bệnh THA có thể được dự phòng hiệu quả và duy trì ở mức lý tưởng nếu như mỗi người dân thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của các chuyên gia y tế:

Kiểm soát cân nặng của cơ thể: Luôn duy trì cân nặng lý tưởng, tránh bị thừa cân, béo phì.

Chế độ ăn uống khoa học: Trong chế độ ăn uống hằng ngày cần tích cực ăn nhiều rau xanh và các loại hoa quả. Giảm ăn muối, hạn chế các thức ăn nhiều dầu mỡ; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng.

Luyện tập TDTT thường xuyên: Cần lên kế hoạch duy trì luyện tập ít nhất 30phút mỗi ngày. Việc luyện tập còn giúp tránh xa stress là một trong những nguyên nhân khiến huyết áp tăng cao.

Duy trì lối sống lành mạnh: Ăn đủ bữa, không ăn quá nhiều hay quá muộn. Không thức khuya, đảm bảo ngủ đủ giấc. Giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu hay căng thẳng thần kinh. Không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia để bảo vệ tim mạch.

Khám sức khoẻ định kỳ: Mỗi người cần khám sức khoẻ định kỳ 3-6 tháng/lần để được phát hiện sớm các nguy cơ gây bệnh( rối loạn chuyển hoá đường, mỡ, đạm... và các trường hợp mắc bệnh THA hoặc Đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm khác. Mỗi người dân cần thường xuyên kiểm tra huyết áp thông qua khám sức khỏe định kỳ hoặc đo huyết áp tại nhà để phát hiện sớm bệnh THA. Các máy đo huyết áp điện tử cá nhân là một công cụ hiệu quả giúp người đã mắc THA và người có nguy cơ mắc bệnh để thường xuyên kiểm tra tình trạng huyết áp của mình và của các thành viên trong gia đình.

Bên cạnh áp dụng các biện pháp tích cực thay đổi lối sống như trên, những bệnh nhân bị Tăng huyết áp cần được theo dõi, quản lý, điều trị bệnh lâu dài và suốt đời theo hướng dẫn của thầy thuốc để giảm bớt các nguy cơ xảy ra biến chứng tăng nặng gây đột quỵ, tử vong./.


Tác giả: Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB