Bệnh tim mạch đang có xu hướng trẻ hóa
Bệnh mạch tim từ lâu đã được xem là căn bệnh phổ biến ở người trung niên và cao tuổi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng những người trẻ mắc các bệnh lý tim mạch ngày càng tăng, thậm chí có những trường hợp bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ khi chưa đến 30 tuổi. Đặc biệt, so với cùng kỳ năm 2024, số bệnh nhân vào điều trị tại các Trung tâm Tim mạch, Khoa Tim mạch của các Bệnh viện tăng và mức độ bệnh nặng gia tăng từ 20 - 30%.
Theo Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, khoảng 15% bệnh nhân nhồi máu cơ tim được can thiệp cấp cứu trong độ tuổi từ 35-45 tuổi. Các yếu tố nguy cơ như béo phì, tiểu đường tuýp 2, huyết áp cao, cholesterol cao và tăng huyết áp chính là nguyên nhân chính dẫn đến trẻ hóa bệnh tim mạch.
Theo PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền- Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội:"Những năm gần đây, số lượng người bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa, không ít người đang trong độ tuổi lao động. Các bác sĩ gặp nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim ở tuổi ngoài 20 đã vỡ thất, lóc tách động mạch chủ, đột quỵ cần phải can thiệp hoặc phẫu thuật cấp cứu để cứu sống nhiều trường hợp chỉ mới hơn 30 tuổi đã phải làm cầu nối mạch vành, đặt stent… Trong cộng đồng, tỷ lệ người trẻ 30-40 tuổi bị tăng huyết áp rất cao". Lý giải về nguyên nhân trẻ hóa bệnh lý tim mạch chủ yếu là do thời đại công nghiệp hóa khiến nhiều người lười vận động thể lực, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, dùng nhiều đạm động vật hơn đạm thực vật. Bên cạnh đó, tình trạng thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống cũng dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổng hợp từ các nghiên cứu gần đây, không khí ô nhiễm có mối liên quan đến khoảng 1/4 các trường hợp tử vong do bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Việc phải tiếp xúc với những vật chất nhỏ như giọt bắn hay bụi mịn trong khí thải từ ô tô, xe máy, nhà máy điện, công trường xây dựng và các nguồn ô nhiễm khác thường xuyên và lâu dài, sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ khoảng 10-20%. Bên cạnh đó, kiến thức chung để chủ động phòng, chống bệnh tim mạch của phần lớn người dân còn thiếu. Hơn nữa, nhiều người chưa hiểu rõ các yếu tố nguy cơ gây bệnh là gì, không chủ động điều chỉnh lối sống (ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi, tập luyện). Thêm vào đó, việc khám sức khỏe định kỳ cũng chưa được chú ý.
Các biện pháp phòng bệnh tim mạch
Theo các chuyên gia y tế, bệnh tim mạch xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó các yếu tố không thể thay đổi như tuổi tác, giới tính (nam giới có nguy cơ cao hơn trước 50 tuổi), tiền sử gia đình.
Yếu tố có thể thay đổi được là bệnh Tăng huyết áp (nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy tim, đột quỵ), rối loạn mỡ máu (nồng độ cholesterol cao gây xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim), hút thuốc lá (làm tổn thương mạch máu, thúc đẩy xơ vữa động mạch); Bệnh Đái tháo đường (làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch gấp nhiều lần), chế độ ăn uống không lành mạnh , lối sống ít vận động , căng thẳng, stress kéo dài.
Người bệnh cần cảnh giác khi thấy các biểu hiện đau ngực, khó thở, hồi hộp, đánh trống ngực, hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu, phù chân, phù mắt cá chân, mệt mỏi kéo dài… cần nghĩ đến bệnh tim mạch, chủ động, phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Để bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh tim mạch, cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh bằng cách giảm muối, đường, chất béo bão hòa, tăng cường rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, ăn cá ít nhất 2 lần/tuần, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động thể chất bằng việc tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần. Tránh ngồi quá lâu, kiểm soát cân nặng hợp lý, kiểm soát căng thẳng, ngủ đủ, giữ tinh thần thoải mái, tránh stress kéo dài...
Người trẻ từ 30 tuổi trở lên nên khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần để kiểm tra huyết áp, mỡ máu, đường huyết... Nếu có tiền sử gia đình bị bệnh tim mạch sớm (trước 50 tuổi), cần chủ động tầm soát sớm hơn. Đi khám ngay khi có triệu chứng bất thường như đau ngực, khó thở, hồi hộp, chóng mặt…
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, người trẻ cần thay đổi thói quen ngay từ bây giờ để bảo vệ trái tim, tránh nguy cơ bệnh tim mạch khi còn quá sớm. Hãy xây dựng một lối sống lành mạnh để có một trái tim khỏe mạnh suốt đời./.