• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cách nhận biết sớm và chăm sóc đúng cách khi trẻ bị Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch, do virus Dengue gây ra. Virus truyền từ người lành sang người bệnh do muỗi đốt. Ở Việt Nam, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, đặc biệt là vào các tháng 7, 8, 9, 10. Các gia đình cần cảnh giác trước các dấu hiệu của sốt xuất huyết để phòng tránh, điều trị kịp thời, đặc biệt là đối với trẻ em , nếu bị mắc SXH có thể gây nhiều biến chứng đe dọa tới tính mạng. Vì vậy, để nhận biết sớm và chăm sóc trẻ bị SXH tại nhà đúng cách là điều rất quan trọng đối với các bậc cha, mẹ.

Sự nguy hiểm của bệnh Sốt xuất huyết

Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị Sốt xuất huyết

Bệnh nhi thường khởi phát bệnh với sốt cao đột ngột, trước đó trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, thời gian sốt từ 02 - 07 ngày, kèm theo những biểu hiện sau: Đỏ bừng mặt, da xung huyết, đau nhức cơ, đau khớp, đau đầu.

Trong một số trường hợp, trẻ có thể kèm theo đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Trẻ nhũ nhi có thể kèm triệu chứng ho sổ mũi hay tiêu chảy.

Sau đó trẻ có thể biểu hiện xuất huyết như: Xuất hiện chấm xuất huyết (những chấm đỏ không biến mất khi căng da) thường ở cẳng tay, cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng; Xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu răng, đi ngoài ra máu. Ở nữ tuổi dậy thì có thể xuất huyết âm đạo, phụ nữ thì có thể rong kinh. Những triệu chứng xuất huyết này ít xảy ra vào những ngày đầu. Gan có thể to sau một vài ngày. Khi xét nghiệm công thức máu vào thời gian này, kết quả cho thấy giảm bạch cầu, đó là dấu hiệu cảnh báo khả năng bị sốt xuất huyết Dengue.

Từ ngày thứ 03 – 07 của bệnh, trẻ bắt đầu hạ sốt khoảng 37,5 – 38 độ C hoặc thấp hơn, một số bệnh nhi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như lừ đừ, mệt mỏi, ói nhiều, đau bụng, xuất huyết niêm mạc, gan to, hoặc một số trường hợp diễn tiến đến sốc sốt xuất huyết với biểu hiện tay chân lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹt hoặc không đo được. Tất cả những trường hợp trên cần phải được nhập viện ngay và tuân theo sự chỉ định của bác sĩ. Nếu để tình trạng sốc kéo dài, bệnh nhi có thể tổn thương nhiều cơ quan, có thể dẫn đến tử vong.

Có những bệnh nhi vào thời điểm ngày 6,7 của bệnh, hết sốt và bệnh hồi phục, ăn uống tốt, có thể xuất hiện mẩn đỏ ngứa ở tay chân.

Cần chăm sóc trẻ đúng cách tại nhà:

Những trường hợp sốt xuất huyết được bác sĩ khám và cho điều trị ngoại trú hay tại nhà, phụ huynh cần biết cách chăm sóc trẻ.

Khi trẻ sốt cao hơn 38 độ C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất với liều 10-15mg/kg cân nặng, uống lặp lại 04 - 06 giờ một lần nếu trẻ sốt, lau mát bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao, gây co giật.

Chú ý đến chế độ dinh dưỡng

Cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa và nên chia nhiều bữa nhỏ.

Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường: Nước điện giải Oresol, nước lọc, nước sôi nguội, nước trái cây, nước cam, nước chanh.

Cung cấp thêm vitamin các nhóm A, B, C để tăng cường hoạt động chuyển hóa cho cơ thể và tăng cường miễn dịch, sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật.

Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu có một trong những dấu hiệu sau:

 

 

Tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống.

Đau bụng, nôn nhiều, nôn khan.

Quấy khóc, bứt rứt, trăn trở khó chịu hoặc li bì.

Chảy máu cam, máu răng hoặc nôn ra máu, đi ngoài phân đen.

       Trần Tài

 


Tác giả: Trần Tài
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết