• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần phát hiện sớm và điều trị sớm bệnh ung thư

Theo Bộ Y tế, hiện nay, các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, bệnh hô hấp mạn tính, tâm thần, ung thư…đang có xu hướng gia tăng trong thời gian qua. Việt Nam hiện có khoảng 24 đến 25 triệu người mắc bệnh không lây nhiễm, trong đó khoảng 17 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp, 4,6 triệu người mắc bệnh đái tháo đường và 2 triệu người mắc các bệnh tim mạch và hô hấp mạn tính. 

Tại Việt Nam mỗi năm có trên 182.000 ca mới mắc, trên 122.000 ca tử vong do ung thư. Hiện có khoảng 354.000 người đang sống chung với bệnh ung thư, trong đó ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới, chiếm khoảng 1/4 trong tổng số ca mắc ung thư hàng năm đối với nam giới.

Bộ Y tế cũng cảnh báo xu hướng người trẻ hút thuốc lá thế hệ mới, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang gia tăng trong khi nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi là tỉ lệ hút thuốc lá gia tăng. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực về chủ trương chính sách và thực thi hoạt động kiểm soát ung thư, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, cần tăng cường các hoạt động phòng chống ung thư ở tất cả các tuyến y tế, đặc biệt tuyến cơ sở cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân đi khám sàng lọc phát hiện sớm và chăm sóc người bệnh ung thư dựa vào cộng đồng.

Bệnh ung thư thường phát triển âm thầm trong một thời gian dài trước khi gây ra các dấu hiệu và triệu chứng trên lâm sàng để có thể phát hiện được. Nếu phát hiện sớm ung thư, hầu hết các bệnh ung thư đều có thể chữa khỏi hoặc kiểm soát được bệnh lâu dài. Tuy nhiên, bệnh ung thư ít gây ra triệu chứng sớm. Do đó, theo các chuyên gia, tầm soát ung thư là duy nhất giúp phát hiện ung thư sớm.

Có nhiều triệu chứng cảnh báo bạn có thể mắc ung thư, bao gồm:

- Mệt mỏi, chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân.

- Có máu trong nước tiểu hoặc trong phân.

- Táo bón hoặc tiêu chảy.

- Thay đổi da, vết loét hoặc vết loét không lành.

- Đau dai dẳng hoặc đau đầu.

- Ho mãn tính.

- Sốt, đổ mồ hôi ban đêm.

- Buồn nôn hoặc nôn tái phát.

- Sưng hạch bạch huyết.

Các biện pháp dự phòng bệnh ung thư?

1. Tránh hút thuốc lá: Hút thuốc lá chủ động hay tiếp xúc khói thuốc trong thời gian dài là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư, đặc biệt là ung thư phổi vì vậy hãy bỏ thuốc lá nếu bạn đang sử dụng hàng ngày và hãy nói không với thuốc lá, kể cả thuốc lá thế hệ mới ( thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha).

2. Thực hiện chế độ ăn giàu dinh dưỡng - nhiều trái cây, rau và ngũ cốc, ít chất béo bão hòa, hạn chế thịt đỏ và thịt chế biến sẵn. Tuyệt đối không ăn thực phẩm có dấu hiệu mốc hoặc có mùi.

3. Không lạm dụng rượu bia và các chất kích thích khác.

4. Duy trì cân nặng hợp lý.

5. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa các chất gây ung thư và hóa chất công nghiệp như đeo găng tay, mặc quần áo bảo hộ, đeo kính bảo hộ, đảm bảo không gian làm việc được tthông thoáng.

6. Đến cơ sở y tế thực hiện khám sức khoẻ định kỳ và sàng lọc ung thư 6 tháng - 1 năm/lần, phù hợp với độ tuổi, giới tính và các yếu tố nguy cơ.

7. Tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời.

8. Bảo vệ khỏi các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

9. Tập thể dục đều đặn, chọn hình thức tập luyện phù hợp và tập hàng ngày ít nhất trong khoảng 30 phút để giảm nguy cơ mắc ung thư./.


Tác giả: Vũ Khuyên
Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 7 đánh giá
Click để đánh giá bài viết