Chữa viêm họng bằng phương pháp dân gian
Viêm họng là tình trạng khá phổ biến khi thời tiết chuyển mùa, nếu không được điều trị khỏi thì rất dễ trở thành mạn tính và các biến chứng khác. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trân trọng giới thiệu một số phương pháp dân gian chữa viêm họng như sau:
Nước muối
Pha 01 thìa cà phê muối ăn vào 1 cốc nước ấm, sau đó súc miệng nước muối khoảng 03 lần, mỗi lần khoảng 20 giây. Súc miệng ít nhất vào 03 buổi sáng, trưa, tối trong ngày.
Uống nhiều nước
Uống đủ nước ( ít nhất 2 lít nước/ngày) vừa có tác dụng cung cấp nước cho cơ thể, vừa giúp bôi trơn, làm ẩm cổ họng.
Trà nóng
Trà nóng ( trà thảo dược, trà xanh) thêm chút mật ong, chanh giúp làm dịu cổ họng.
Nước ấm, chanh, mật ong
Dung dịch nước ấm, chanh, mật ong uống khi vừa ngủ dậy giúp thanh lọc cơ thể, tốt cho tiêu hóa, chữa ho và viêm họng hiệu quả. Quả chanh có chứa rất nhiều vitamin C, vị chua, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, chữa ho, lợi tiêu hóa. Vỏ chanh có vị đắng, the, mùi thơm, tính lạnh, có công dụng thông khí, tiêu đờm.
Cách thực hiện:
1 nửa quả chanh tươi vắt lấy nước, kèm 1-2 thìa cà phê mật ong, pha bằng một cốc nước ấm. Hoặc bạn có thể đem chanh rửa sạch rồi ngâm với nước muối khoảng 30 phút, để khô sau đó thái lát mỏng, xếp vào lọ. Cứ một lớp chanh pha một lớp mật ong bạn bỏ thêm một ít muối.
Buổi sáng hàng ngày lấy 3-4 thìa ra cốc, pha với nước ấm để uống, nên pha cả vỏ chanh để đạt hiệu quả tốt nhất.
Gừng, mật ong
Nguyên liệu: 1-2 thìa mật ong, gừng 1 củ thái lát.
Cách thực hiện: Thái gừng mỏng và cho 1 ít mật ong vào trộn lẫn. Sau đó lấy từng lát gừng mật ong cho vào miệng ngậm có tác dụng làm dịu họng, giảm ho.
Lá hẹ
Lá hẹ có chứa các thành phần như đạm, vitamin A, C, Ca, P, và chất xơ, có vị cay, tính ấm có công dụng trợ thận, bổ dương, giải độc, tiêu đờm… Thành phần Odorin có trong lá hẹ có công dụng như một chất kháng sinh chống tụ cầu và các chủng vi khuẩn.
Cách chữa viêm họng bằng lá hẹ:
Cách 1: Lấy một nhúm nhỏ lá hẹ tươi rửa sạch với nước, giã nát đắp lên vùng cổ bị viêm họng. Sau đó cuốn băng giữ chặt phần lá đắp khoảng 30 phút rồi tháo ra rửa sạch cổ bằng nước sạch.
Cách 2: Dùng hỗn hợp lá hẹ giã nhuyễn với hai thìa mật ong đem đi hấp cách thủy trong 15 phút. Chắt lấy nước cốt và uống nước cốt này khi còn ấm, bã lá hẹ dùng để ngậm có tác dụng hiệu quả làm dịu cơn đau, giảm đau rát cổ họng.
Lá diếp cá
Lá diếp cá vị cay, tính mát, công dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, giải độc, giải độc, làm lành các vết lở loét. Rau diếp có thành phần tinh dầu giúp sát trùng, kháng viêm và loại trừ các ổ vi khuẩn, virus trong cổ họng.
Cách chữa viêm họng bằng lá diếp cá
Cách 1: Lá diếp cá rửa sạch, để ráo nước sau đó đem xay nhuyễn hoặc giã nhỏ và lọc lấy nước cốt. Lấy nước cốt này pha với một ít nước ấm rồi uống từng ngụm. Sử dụng 2 lần/ngày, liên tục trong 4-5 ngày có tác dụng hiệu quả.
Cách 2: Lấy khoảng 50g lá diếp cá và 20g lá cam thảo đất, đem rửa sạch rồi rồi cho vào nồi sắc với nước để uống hàng ngày. Thực hiện đều đặn 2-3 ngày.
Lá tía tô, hoa đu đủ đực, hoa khế
Nguyên liệu: 10 lá tía tô, 5 hoa đu đủ đực, 3 chùm hoa khế.
Cách thực hiện: Rửa sạch nguyên liệu, để ráo nước, hấp cách thuỷ trong 20 phút. Chắt lấy nước uống, mỗi làn 02 muỗng, uống 3-4 lần/ngày.
Tỏi
Nguyên liệu: 1 vài nhánh tỏi, 1 ít sữa nóng.
Cách thực hiện: Đập dẹp vài tép tỏi. Chuẩn bị 1 cốc sữa nóng và hãm với tỏi đập dập trong vòng 10-15 phút, sau đó uống dung dịch sữa tỏi trên, ngày 2-3 lần, tăng sức đề kháng và chữa viêm họng.
Quất ngâm mật ong
Nguyên liệu: 30 quả quất chín vàng đều, mật ong nguyên chất khoảng 200-300ml.
Cách thực hiện: Cho quất vào chiếc hũ có nắp, thêm mật ong vào. Ngâm trong vòng 1 tháng rồi lấy ra sử dụng dần, dùng cả bã quất và nước để ngậm và nuốt, ngày 3-6 lần, tác dụng làm dịu cơn đau họng.