Hướng dẫn các biện pháp tăng cường phòng, chống COVID-19 trong cơ sở sản xuất kinh doanh
Kể từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19 đến nay, đây là đợt dịch COVID-19 thứ tư tại Việt Nam (từ ngày 27/4/2021). Và trong đợt dịch này đến nay đã có ở 26 tỉnh/thành phố với trên 1.000 trường hợp mắc, tại Thái Bình đến ngày 15/5/2021 đã có 15 trường hợp được ghi nhận; dịch có thể tiếp tục có những diễn biến mới khó lường. Đặc biệt dịch đã xâm nhập, bùng phát tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh trong Khu công nghiệp của một số tỉnh/thành phố.
Với mục đích tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh. Đặc biệt giám sát và phòng, chống COVID-19 chủ động tại từng phân xưởng/dây chuyền sản xuất/tổ sản xuất/vị trí làm việc của các nhà máy, công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình đã ban hành Công văn số 1054/KSBT-YTLĐ ngày 17/5/2021 về việc hướng dẫn các biện pháp tăng cường phòng, chống COVID-19 đề nghị mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh cần đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; kịp thời phát hiện, xử lý, khoanh vùng dập dịch khi có các trường hợp bệnh/nghi bệnh COVID-19 hoặc đối tượng nguy cơ.
Theo đó, các đơn vị triển khai thực hiện đầy đủ, cụ thể các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 theo Kế hoạch số 07/KH-BQLKKT ngày 14/5/2021 của Ban Quản lý Khu kinh tế (BQLKKT) về phòng, chống dịch COVID-19 tại các Khu công nghiệp và Khu kinh tế. Mỗi đơn vị chủ động chuẩn bị các phương án, kịch bản, hậu cần đáp ứng phòng, chống dịch theo phương châm bốn tại chỗ của BCĐ PCD tỉnh chỉ đạo (khi cần có thể liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (KSBT), Trung tâm Y tế các huyện/thành phố để tư vấn, hỗ trợ). Chú trọng thực hiện thường xuyên việc khai báo y tế, sàng lọc phân loại, phân luồng, quản lý người ra vào doanh nghiệp; kiểm soát chặt thông tin người lao động ngoại tỉnh, người đi từ các vùng dịch đến làm việc tại doanh nghiệp theo Công văn số 446/SYT-NVY ngày 19/3/2021 của Sở Y tế (thời gian cho các đối tượng phải cách ly tập trung thay đổi từ 14 ngày lên 21 ngày và cách ly tại nhà 7 ngày tiếp theo). Khi xuất hiện các trường hợp bệnh/nghi bệnh COVID-19 hoặc đối tượng nguy cơ phải báo cáo ngay cho cơ quan chủ quản, cơ quan y tế địa phương; thông tin nhanh cho Trung tâm KSBT tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, thành phố để hỗ trợ xử lý. Chủ động và phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế, các ngành, đơn vị tổ chức cách ly tập trung trong các hoạt động quản lý, cách ly các chuyên gia, người lao động tay nghề cao được phép nhập cảnh vào tỉnh để đảm bảo tuân thủ tốt việc cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và cách ly y tế tại nơi lưu trú theo đúng quy định. Lập tức tổ chức truy vết ngay mỗi khi xuất hiện các trường hợp F0, F1, F2..tại đơn vị và liên quan (Ban đầu sẽ liệt kê toàn bộ người lao động cùng nơi làm việc như cùng phân xưởng, phòng làm việc...Tiếp xúc với với F0 đều coi là F1, tương tự như vậy với các F khác). Các đơn vị thực hiện chế độ thông tin báo cáo về Trung tâm KSBT tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện/thành phố theo quy định.
Để công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất kinh doanh được triển khai đồng bộ theo đúng quy trình đã được Bộ Y tế quy định,Trung tâm KSBT tỉnh phối hợp triển khai bổ sung một số hoạt động như: gửi kèm theo tài liệu hướng dẫn xây dựng “Tổ phòng chống COVID-19 tại Doanh nghiệp” để các đơn vị chủ động triển khai thực hiện. Trong hướng dẫn Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật chỉ rõ cụ thể từng nhiệm vụ cho từng bộ phận của mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh cần thực hiện nghiêm túc như: Tổ an toàn COVID’. Mỗi phân xưởng/dây chuyền sản xuất/ tổ sản xuất/vị trí làm việc cần thành lập ít nhất 01 “Tổ an toàn COVID’. Mỗi tổ từ 03-05 người, thành phần nên gồm lãnh đạo các tổ/đội/nhóm; các công nhân có tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu. Các Tổ an toàn COVID do Giám đốc nhà máy, công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ra quyết định thành lập trong đó có phân công trách nhiệm phụ trách cụ thể cho từng tổ. Hàng ngày Tổ cần phải tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của công nhân theo quy định tại nơi làm việc, sản xuất. Thực hiện việc theo dõi sức khỏe đầu giờ, trong giờ làm việc của công nhân. Giám sát, phát hiện và báo cáo ngay cho lãnh đạo và bộ phận y tế của công ty khi phát hiện các trường hợp công nhân nghi ngờ bị mắc bệnh phát hiện được lúc đầu giờ làm việc hoặc trong lúc đang sản xuất: sốt, ho, đau họng, hội chứng cúm; biểu hiện viêm đường hô hấp để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm kịp thời. Hỗ trợ cơ quan chức năng truy vết F1, F2 và các hoạt động phòng, chống dịch trong trường hợp trong công ty xuất hiện ca bệnh COVID -19. Thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch phù hợp khác do lãnh đạo công ty phân công. Các thành viên “Tổ an toàn COVID’ khi làm nhiệm vụ phải luôn tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định tại nơi sản xuất/nơi làm việc để đảm bảo an toàn phòng tránh lây nhiễm. Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh còn phối hợp với BQLKKT tập huấn kỹ thuật triển khai xét nghiệm sàng lọc SARS - CoV-2 cho các đơn vị. Phối hợp với Công ty Cổ phần sản xuất hàng thể thao - Chi nhánh Thái Bình tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật trong thí điểm hoạt động các nội dung trên và hướng dẫn xây dựng kịch bản cách ly tạm thời cho doanh nghiệp khi có tình huống khẩn cấp F0 xuất hiện phải phong tỏa CSSXKD.
Ngay khi phát hiện trường hợp người lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh có dương tính với SARS-CoV-2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật sẽ báo cáo kịp thời với Sở Y tế, Ban Chỉ đạo PCD tỉnh chỉ đạo và kịp thời thông tin với các cơ quan quản lý để phối hợp chỉ đạo, triển khai thực hiện phòng, chống hiệu quả. Việc triển khai các hoạt động tiếp theo sẽ được tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo PCD tỉnh. Các Trung tâm Y tế các huyện/thành phố tham mưu, chỉ đạo tới các địa phương, các trạm y tế xã/phường/thị trấn sẵn sàng trong các hoạt động phối hợp và chỉ đạo phòng, chống trong các cơ sở sản xuất kinh doanh góp phần cùng các ngành, các cấp khống chế, khoanh vùng và đẩy lùi dịch bệnh COVID -19 ra khỏi cộng đồng./.