Cuộc chiến chống COVID-19 - Cần lắm “ý thức” của mỗi người
Tình hình dịch COVID-19 hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp. Để đối phó với dịch, Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo, triển khai quyết liệt hàng loạt biện pháp như: Ban hành văn bản chỉ đạo; Tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức của cá nhân, tổ chức, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống dịch; Tổ chức rà soát, sàng lọc, truy vết, cách ly những người đến từ vùng dịch hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh; Khoanh vùng, dập dịch, lấy mẫu, xét nghiệm, vận chuyển bệnh nhân. Chuẩn bị nhân lực, vật tư, kinh phí, sinh phẩm, các kịch bản, tình huống dịch. Triển khai hoạt động của Chốt Kiểm soát dịch, Tổ Tự quản tại cộng đồng… Các hoạt động ấy đã góp phần bảo vệ sức khoẻ nhân dân, ngăn chặn dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng.
Tuy nhiên, trong khi các cấp, ngành và mỗi người dân đều chủ động, tích cực chung tay để đẩy lùi COVID-19 thì ở một số địa phương trong nước ta và trong tỉnh Thái Bình vẫn có người thiếu ý thức trách nhiệm trong phòng, chống dịch như: đăng tải những thông tin sai lệch, không chính xác về tình hình dịch bệnh trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận; không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch; bất hợp tác với cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực; trốn cách ly; tụ tập đông người; không đeo khẩu trang; tiếp tay cho các đối tượng nhập cảnh trái phép; nhờ người khác đi cách ly thay mình,...
Thực tế cho thấy, một hành động gian dối khi về từ vùng dịch đã khiến cả hệ thống chính trị phải “lao tâm khổ tứ”, phải dồn sức đêm ngày để đối phó, ngăn chặn sự lây lan. Một lời khai báo gian dối, không trung thực đã khiến cho hàng chục người lây bệnh, hàng trăm người phải đi cách ly, nhiều khu vực phải phong tỏa để kiểm soát,…dẫn đến những thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng con người và tổn hại về kinh tế, xã hội khôn lường.
Dịch bệnh COVID-19 xảy ra là điều tất cả chúng ta đều không mong muốn. Hơn lúc nào hết, trong thời điểm hiện nay, mọi người dân tại Việt Nam và tỉnh Thái Bình đều mong dịch qua mau, để được quay trở lại với trạng thái cuộc sống bình thường. Vì vậy, cùng với việc thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, trang bị cho bản thân và gia đình những kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo 5 K, chỉ đạo của Bộ Y tế, của tỉnh, của địa phương. Mỗi người hãy duy trì cho mình chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, thể dục thể thao hợp lý… giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể; hạn chế tụ tập nơi đông người; không nghe theo cũng như phát tán các thông tin tiêu cực chưa được kiểm chứng, ảnh hưởng tới đời sống, xã hội… Thực hiện khai báo y tế trung thực, phát giác các trường hợp dấu giếm khai báo không trung thực, ứng dụng phần mềm Bluzone, mã QR code trong khai báo y tế. Đồng thời, hãy chủ động phát hiện các trường hợp nguy cơ, nghi mắc bệnh và kịp thời báo cho các cơ quan hữu quan để góp phần ngăn chặn dịch một cách hiệu quả nhất. Bày tỏ sự tin tưởng, đồng thuận với những chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ và chính quyền địa phương trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; không hoang mang, hoảng loạn, gây mất an ninh trật tự. Đó không chỉ là trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng, mà còn là để tránh cho mỗi chúng ta không bị vi phạm pháp luật.
Tại Điều 47 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm do Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2007 đã nêu rõ: “Khi có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch”. Còn tại Điều 8 của Luật này cũng quy định những hành vi bị nghiêm cấm như: “Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”. Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, thì hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế sẽ bị xử phạt theo Điều 11 như sau: Hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, (trừ trường hợp không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế) đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Không những vậy, những người vi phạm Luật phòng, chống bệnh Truyền nhiễm năm 2007, còn có thể đối mặt với án hình sự. Ví dụ trường hợp bệnh nhân sau khi từ nơi cách ly tập trung trở về không khai báo y tế, cách ly y tế tại nhà mà lại tụ tập ăn nhậu, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015. |