• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoạt động phòng, chống viêm gan B và C tại tỉnh Thái Bình

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 254 triệu người đang sống chung với viêm gan B và 71 triệu người mắc viêm gan C trên thế giới; mỗi ngày chúng ta phải chứng kiến 6.000 người nhiễm mới và 3.500 người tử vong, con số đáng báo động này vẫn đang tiếp tục gia tăng.

Việt Nam là một trong 10 quốc gia có số người nhiễm viêm gan virus B và C cao nhất trên thế giới với khoảng 6,6 triệu người nhiễm viêm gan B và 900.000 người nhiễm viêm gan C mạn tính. Đây là nguyên nhân dẫn đến khoảng 80.000 trường hợp xơ gan, ung thư biểu mô tế bào gan và khoảng 40.000 trường hợp tử vong hàng năm.

Bệnh viêm gan virus là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe do các biến chứng của viêm gan virus. Trong đó virus viêm gan B và C lây truyền qua đường máu, qua quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con. Virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HCV) thường gây bệnh mạn tính, biến chứng xơ gan, ung thư gan gây tử vong cao.

Bệnh viêm gan virus B có thể phòng ngừa được nếu sử dụng vaccine sớm và đúng quy định. Với viêm gan virus C, hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh nhưng với các phác đồ điều trị hiện có, bệnh viêm gan C có thể được chữa khỏi hoàn toàn.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế xây dựng, triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống viêm gan virus tại Việt Nam; giảm lây truyền virus viêm gan, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do viêm gan virus; tiến tới loại trừ để viêm gan virus không còn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng.

Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành các Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm gan virus giai đoạn 2015-2020 và 2021-2025; các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị virus viêm gan B, C; triển khai giám sát trọng điểm viêm gan cấp, mạn và ung thư gan; giám sát huyết thanh học virus viêm gan; đánh giá thực trạng hoạt động phòng, chống viêm gan; ước tính gánh nặng bệnh tật do virus viêm gan B, C… Bộ Y tế cũng triển khai hợp tác đa ngành với các tổ chức quốc tế để thử nghiệm các mô hình phòng, chống viêm gan virus tại một số địa phương.

Nhờ đó, công tác phòng, chống viêm gan virus nói chung và viêm gan B, C đã đạt được những kết quả tích cực về dự phòng lây nhiễm, tiếp cận chẩn đoán, điều trị, truyền thông nâng cao nhận thức xã hội và tăng cường sự tham gia của chính quyền địa phương, các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị-xã hội…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống viêm gan B,C tại Việt Nam vẫn còn những thách thức, hạn chế nhất định. Việt Nam đã cam kết với các mục tiêu y tế toàn cầu, như bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và loại trừ viêm gan vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, cùng với sự hợp tác đa ngành, Việt Nam cần cần tập trung giải quyết triệt để các vấn đề trong thời gian tới như: Sự quan tâm, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương cần tương xứng với gánh nặng bệnh tật; tăng cường nguồn lực triển khai (nhân lực, kinh phí…); tập trung các vấn đề về chuyên môn, kỹ thuật (thông tin, dữ liệu; tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine viêm gan B; nâng cao năng lực xét nghiệm chẩn đoán, sàng lọc, quản lý bệnh nhân...).

Tỉnh Thái Bình với sự hỗ trợ của Dự án BIDMC/HAIVN đã triển khai hoạt động phòng, chống viêm gan B, C từ năm 2022, triển khai điểm tại 2 Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Phụ và Tiền Hải với mô hình: Chăm sóc và điều trị bệnh viêm gan tại tuyến cơ sở, triển khai toàn diện và lấy người bệnh làm trung tâm. Kết quả giai đoạn 2022-2024 đã tổ chức 8 khóa đào tạo cho 276 cán bộ y tế tuyến cơ sở, trong đó có 47 bác sĩ được đào tạo về quản lý, điều trị viêm gan, 87 cán bộ y tế được đào tạo về sàng lọc, kết nối điều trị, 146 cán bộ y tế của TTYT huyện, TYT xã được đào tạo về truyền thông kết hợp với sàng lọc cộng đồng. Có hơn 14.772 lượt người dân được sàng lọc viêm gan B tại tuyến xã, tỷ lệ dương tính 5,8% và 12.385 lượt người dân được sàng lọc viêm gan C tại tuyến xã, tỷ lệ dương tính 1,2%; 93% người bệnh viêm gan B có đủ điều kiện điều trị bắt đầu điều trị; 67% người bệnh viêm gan C được kết nối thành công.

Thời gian tới, cùng với cả nước, tỉnh Thái Bình tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống viêm gan B, C: mở rộng địa bàn của Dự án sang 2 huyện Vũ Thư, hưng Hà; nâng cao năng lực tư vấn, xét nghiệm chẩn đoán, sàng lọc; kết nối điều trị sau sàng lọc; tiếp cận điều trị; đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, tỷ lệ phát hiện sớm bệnh cho người dân.../.


Tác giả: Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB