• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Số ca mắc Tay - Chân - Miệng tăng 2,5 lần so với cùng kì năm 2023

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 13.700 ca mắc Tay - Chân - Miệng (TCM), hiện chưa có trường hợp nào tử vong. So với cùng kỳ năm 2023 số ca mắc TCM tăng 2,5 lần.

Tại Thái Bình, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tuần 16 (từ ngày 15-21/4) ghi nhận 28 ca mắc TCM, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh Thái Bình ghi nhận gần 170 ca TCM, ca mắc rải rác ở các địa phương trong tỉnh, không có trường hợp tử vong do bệnh TCM.

Bệnh TCM thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, có tốc độ lây lan nhanh và dễ thành dịch, bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường gia tăng thời điểm từ tháng 4-6 và từ tháng 10 - 12 hàng năm. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, tiếp xúc đồ chơi, quần áo của người mắc bệnh… nhất là trong môi trường tập thể như tại trường mẫu giáo và trường học khác.

Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh TCM như: sốt nhẹ, mệt mỏi, loét miệng, đau họng, biếng ăn, chảy nước miếng, phát ban dạng phỏng nước (ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông…).

TCM đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, trong khi bệnh này lây chủ yếu theo đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Dẫn đến nguy cơ lây truyền bệnh khi trẻ sinh hoạt tập thể tại cơ sở giáo dục mầm non, nhưng thực tế công tác tác phối hợp, giám sát phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục mầm non lại chưa thực sự hiệu quả.... Các chuyên gia cảnh báo, có hai biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Những dấu hiệu nặng của bệnh tay chân miệng điển hình như: Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ; giật mình nhiều (>= 2 lần trong 30 phút); vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân; thở nhanh, thở bất thường: ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực và khò khè…. 

Hiện đang là thời điểm của đỉnh dịch, trong khi đó bệnh TCM chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện các triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị, tránh biến chứng của bệnh.

Sau khi trẻ được chẩn đoán bệnh, tùy tình trạng bệnh bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị ngoại trú hay nội trú. Nếu trẻ đủ điều kiện chăm sóc tại nhà, bác sĩ sẽ tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị. Cha mẹ tuyệt đối không nên tìm hiểu thông tin trên mạng Internet rồi tự ý dùng thuốc có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm hoặc gây hậu quả khác cho trẻ.

Để phòng chống các bệnh truyền nhiễm nói chung, chuyên gia y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ cần đưa con đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ các bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt quan tâm các bệnh có vắc xin nhưng vẫn có tỷ lệ mắc hàng năm như sởi, ho gà, bạch hầu.

Thực hiện vệ sinh làm sạch môi trường các vật dụng dễ bị ô nhiễm, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường; theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và người mắc bệnh./.


Tác giả: Thuý Liễu
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết