• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình: Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh

Ngày 10/8, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành trên cả nước về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD).

Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 57.295 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 người tử vong. Số mắc và tử vong tuy giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng có xu hướng gia tăng trong các tuần gần đây.

Hiện nay, đang là thời điểm mùa dịch, dự báo số mắc hàng tuần có xu hướng gia tăng trong thời gian tới nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.

Tổ chức triển khai mạnh mẽ hơn nữa các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại.

Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn triển khai các hoạt động tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.

Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.

Tỉnh Thái Bình tiếp tục triển khai Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường đợt 2 năm 2023, trọng tâm bệnh do muỗi truyền. Ngày 02/8/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật ban hành Công văn số 249/KSBT - PCBTN đề nghị các Trung tâm Y tế huyện, thành phố tổ chức giám sát, phát hiện, xử lý, báo cáo kịp thời các trường hợp bệnh/nghi bệnh/chùm ca bệnh truyền nhiễm, nhất là SXHD và viêm não Nhật Bản tại các cơ sở y tế, cộng đồng; lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm các trường hợp trên hoặc gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Thực hiện chế độ giám sát định kỳ, đột xuất các chỉ số véc tơ truyền SXHD. Triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh nhất là SXHD, viêm não Nhật Bản trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong hội nghị, cuộc họp, hoạt động ngoại khoá, tuyên truyền lưu động, áp phích, tờ rơi...Chỉ đạo, rà soát, tiêm bổ sung các vắc xin trong TCMR, chú ý tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đủ mũi, đúng lịch, hướng dẫn người dân chủ động tiêm các loại vắc xin khác. Tham mưu với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương Kế hoạch “Tổng vệ sinh môi trường và tuyên truyền phòng, chống dịch trọng tâm do muỗi truyền đợt 2 năm 2023”, triển khai thực hiện tới tất cả các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn ngay từ đầu tháng 8 năm 2023. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa liên quan chủ động giám sát và phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại đơn vị. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong hoạt động tập huấn, truyền thông, giám sát, báo cáo bệnh truyền nhiễm. Tất cả các đơn vị y tế các tuyến thực hiện đúng chế độ thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT và chỉ đạo của Sở Y tế. 


Tác giả: Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB