Tăng cường công tác truyền thông phòng chống bệnh Dại
Hiện nay, bệnh Dại đang có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương, kể cả ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về bệnh Dại. Trong 05 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 35 ca tử vong, tăng 10 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do vi rút Dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi Dại cắn, không tiêm vắc xin. Nguyên nhân giáp tiếp là do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Dại trên đàn chó, mèo còn thấp. Công tác quản lý đàn, chó ở một số địa phương còn lỏng leo.
Để góp phần làm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bệnh Dại, ngày 09/8/2023 Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương ban hành Công văn số 333/GDSKTƯ đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế tại địa phương tăng cường công tác truyền thông phòng chống bệnh Dại.
Cụ thể tập trung vào tính chất nguy hiểm của bệnh Dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên người và động vật, đặc biệt chú ý truyền thông về việc không chữa bệnh Dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận. Hướng dẫn người dân khi bị chó cắn, mèo, động vật nghi Dại cắn biết cách xử lý vết thương và cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng kịp thời. Đồng thời tiêm phòng Dại cho động vật theo quy định.
Lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh sớm khi bị động vật nghi Dại cắn. Thông báo rộng rãi địa chỉ điểm tiêm vắc xin phòng Dại trên các phương tiện truyền thông. Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó không để chó chạy rông, khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ và có người dắt, chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh Dại.
Tất cả các nội dung tuyên truyền cần được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phát huy lợi thế của truyền thông trực tiếp tại cơ sở y tế, hộ gia đình, trường học,...Ưu tiên truyền thông tại nơi có ổ dịch, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới,...