• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng

Quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta trong những năm qua đã giúp cho đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Cùng với đó, xu hướng sử dụng rượu bia trong sinh hoạt hàng ngày, trong các cuộc vui liên hoan, dịp Tết, L hội, trong các mối quan hệ công việc... vẫn có xu hướng gia tăng. Rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Y tế, nước ta đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Ước tính mỗi năm, chi phí tiêu thụ rượu bia của cả nước khoảng 3,4 tỷ USD. Vào các dịp Lễ Tết, tình trạng sử dụng rượu bia lại gia tăng, kéo theo nguy cơ TNGT và nhiều nguy cơ, hệ luỵ khác.

Ngày 25/10/2017, Ban chấp hành Trung ương khóa XII thông qua Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh việc "Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá", "Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng", "Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc về sức khỏe”...

Ngày 14 tháng 6  năm 2019, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Luật Phòng, chống tác hại (PCTH) của rượu bia số 44/2019/QH14, hiệu lực thi hành từ 01/01/2020.Luật có 7 chương, 36 điều qui định các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động PCTH của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong PCTH của rượu, bia.

Ngày 24/8/2022, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND về PCTH của rượu, bia trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022-2025 với mục đích tuyên truyền, phổ biến Luật PCTH của rượu, bia; các văn bản thi hành Luật, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính lĩnh vực y tế và các văn bản liên quan. Đồng thời, tăng cường thực hiện các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia, các biện pháp quản lý việc cung cấp rượu bia, các biện pháp giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia đối với sức khoẻ, trật tự an toàn xã hội để bảo vệ cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

Theo Điều 2 của Luật PCTH của rượu bia qui định khái niệm về rượu, bia như sau:

1. Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm.

2. Bia là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm mạch nha (malt), đại mạch, nấm men bia, hoa bia (hoa houblon), nước.

3. Cồn thực phẩm là hợp chất hữu cơ có công thức phân tử là C2H5OH và có tên khoa học là ethanol đã được loại bỏ tạp chất, đạt yêu cầu dùng trong thực phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có khả năng gây nghiện và gây ngộ độc cấp tính.

4. Độ cồn là số đo chỉ hàm lượng cồn thực phẩm có trong rượu, bia tính theo phần trăm thể tích. Độ cồn được tính bằng số mililít ethanol nguyên chất trong 100 ml dung dịch ở 20 °C.

5. Tác hại của rượu, bia là ảnh hưởng, tác động có hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế và các vấn đề xã hội khác.

6. Nghiện rượu, bia là tình trạng lệ thuộc vào rượu, bia với biểu hiện đặc trưng như thường xuyên thèm uống, lượng uống có thể tăng theo thời gian, không thể tự kiểm soát lượng uống hay ngừng uống.

Theo Điều 24 của Luật PCTH rượu bia qui định Biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng như sau:

1. Tuyên truyền, vận động các gia đình, thành viên thuộc tổ chức, cộng đồng tham gia tuyên truyền và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2. Lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia vào các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa và hoạt động khác tại cộng đồng.

3. Vận động, khuyến khích quy định trong hương ước, quy ước việc hạn chế hoặc không uống rượu, bia tại đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư.

4. Vận động cá nhân, tổ chức không sử dụng sản phẩm rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.

5. Phát hiện, phản ánh người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia để cảnh báo, phòng ngừa, xử lý hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.

Mỗi tổ chức, cá nhân, gia đình hãy thực hiện nghiêm Luật PCTH của rượu bia và Kế hoạch số 115/KH-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình về PCTH của rượu, bia trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022-2025 để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.


Tác giả: BSCKII Lưu Thị Ánh Tuyết - PGĐ TT KSBT
Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết