Tiềm ẩn nguy cơ mắc liên cầu khuẩn lợn do thói quen ăn uống không an toàn
Theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hưng Yên, ngày 14/7/2025, cơ quan chức năng đã ghi nhận trường hợp một số người nghi nhiễm liên cầu khuẩn lợn sau khi ăn tiết canh và lòng lợn tại 02 quán ăn ở xã Quỳnh An, trong số đó có 02 người đã tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Tại thành phố Huế, từ đầu năm 2025 đến ngày 20/7 đã ghi nhận ít nhất trên 30 ca mắc liên cầu khuẩn lợn, chiếm gần 80% tổng số ca toàn quốc. Đặc biệt, trong tháng 6 và đầu tháng 7, số ca mắc tăng nhanh với 17 ca mới, trong đó có những người tiếp xúc trực tiếp với lợn sống hay giết mổ lợn.
Tại Việt Nam, bệnh liên cầu khuẩn lợn hiện đang là mối lo ngại đối với sức khỏe cộng đồng, nhất là tại các vùng nông thôn, nơi một số thói quen ăn uống truyền thống như tiết canh, thịt lợn tái…vẫn còn phổ biến. Liên cầu khuẩn lợn ở người là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn Streptococcus suis gây ra. Vi khuẩn này tồn tại chủ yếu trong đường hô hấp, tiêu hóa và sinh dục của lợn mang mầm bệnh, có thể xâm nhập vào cơ thể người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của lợn hoặc qua đường ăn uống khi sử dụng thực phẩm chưa được nấu chín kỹ. Ngoài ra, sử dụng chung dao, thớt cho thực phẩm sống và chín, không rửa tay sau khi chế biến hoặc tiếp xúc với thịt sống cũng góp phần làm lây lan bệnh.
Các dấu hiệu của bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người thường bắt đầu với sốt cao, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, đau mỏi toàn thân. Bệnh có thể diễn tiến nhanh chóng, dẫn đến viêm màng não mủ, biểu hiện bằng cứng gáy, lú lẫn, mất ý thức, co giật. Trường hợp nặng có thể gây nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, sốc nhiễm khuẩn và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Một số bệnh nhân dù được cứu sống vẫn có thể mang di chứng như điếc vĩnh viễn, rối loạn trí nhớ, tổn thương thần kinh.
Để phòng bệnh nhiễm khuẩn do liên cầu khuẩn lợn, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, vi khuẩn phát triển mạnh và dễ lây lan hơn do đó người dân cần tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt sống, thịt tái. Cần mua thịt lợn từ cơ sở được kiểm dịch rõ ràng, chế biến thực phẩm chín kỹ, đảm bảo vệ sinh. Khi giết mổ hoặc chế biến thịt sống, cần sử dụng găng tay, khẩu trang và rửa tay sạch. Trường hợp có biểu hiện như sốt, đau đầu, đau bụng… sau khi ăn thịt lợn nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.