Việt Nam nỗ lực chiến thắng bệnh Lao vào năm 2035
Theo báo cáo bệnh Lao toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh Lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh Lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh Lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Trong thời gian qua, chương trình phòng, chống Lao Quốc gia đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác phòng, chống Lao. Năm 2023 đã có 106.086 trường hợp mắc Lao các thể được phát hiện, tăng so với cùng kỳ năm 2021 và 2022 lần lượt là 34,4% và 2,2%. Phát hiện Lao kháng đa thuốc năm 2023 là 3.775 bệnh nhân, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%. Tỷ lệ điều trị thành công của bệnh nhân năm 2022 được duy trì ở mức cao trên 90%. Tuy vậy, công tác phòng, chống Lao tại Việt Nam còn gặp không ít khó khăn và thách thức. Cụ thể, vẫn còn trên 40% bệnh nhân Lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị; công tác sàng lọc phát hiện chủ động Lao trong nhóm người nguy cơ cao tại vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; sự tham gia của của các tổ chức chính trị, xã hội, dân sự trong công tác phòng, chống Lao còn hạn chế…
Để thực hiện được những mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng, chống Lao Quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn tới, Bộ Y tế - Chương trình Phòng, chống Lao Quốc gia đưa ra một số nhiệm vụ như sau:
Thứ nhất, tăng cường vận động để nhận được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị hỗ trợ công tác phòng, chống Lao, thể hiện qua việc cụ thể hóa và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy nói chung về khám chữa bệnh và văn bản riêng về công tác phòng, chống Lao. Sự ủng hộ cũng được thể hiện qua việc kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới phòng, chống Lao từ Trung ương tới địa phương.
Thứ hai, huy động sự hưởng ứng của cả cộng đồng với công tác phòng, chống Lao, tăng cường tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh Lao, vượt qua mọi rào cản từ cả phía người bệnh cũng như thầy thuốc và xã hội. Cần có các chiến dịch, chương trình truyền thông, huy động cộng đồng tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống Lao, nâng cao nhận thức của người dân, giảm mặc cảm, kỳ thị bệnh Lao.
Cần đẩy mạnh triển khai các tiếp cận mới như phát hiện chủ động, phát hiện tích cực bệnh Lao trong các nhóm nguy cơ, tại vùng sâu xa nhằm tăng cường sự tiếp cận của người dân với các dịch vụ phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh Lao.
Các can thiệp nhằm mở rộng mạng lưới phòng, chống Lao cũng sẽ được ưu tiên triển khai trong giai đoan tới như: phối hợp y tế công tư; phối hơp giữa chương trình phòng, chống Lao và HIV; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội, dân sự trong công tác phòng, chống Lao như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên,…
Thứ ba, vận động đầu tư đa nguồn cho công tác phòng, chống Lao bao gồm ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, tài trợ quốc tế, bảo hiểm y tế, xã hội hoá. Áp dụng chiến lược kết hợp: vận động tăng nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống Lao với triển khai hiệu quả các can thiệp kỹ thuật, báo cáo kết quả hoạt động và giải trình chi tiêu minh bạch, từ đó có thể tăng huy động được các nguồn tài trợ quốc tế cho công tác phòng, chống Lao trên toàn quốc.
Hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống Lao năm 2024 với chủ đề là: “YES! WE CAN END TB” (ĐÚNG! CHÚNG TA CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO). Chủ đề Ngày Thế giới Phòng, chống Lao của Việt Nam năm 2024 là "ĐÚNG! VIỆT NAM CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO", là sự hưởng ứng mạnh mẽ chủ đề của thế giới, khẳng định những nỗ lực, quyết tâm, khát vọng ở mức cao nhất của Việt Nam trong công tác phòng, chống Lao, đồng thời chủ đề năm nay tiếp tục khẳng định mục tiêu chấm dứt bệnh Lao tại Việt Nam là hoàn toàn có thể.
Chấm dứt bệnh Lao mang lại ý nghĩa vô cùng to lớn cho cộng đồng!