Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2022
Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn cầu. Trong nước số ca mắc mới, số bệnh nhân nặng, số ca tử vong tại nhiều tỉnh, thành phố có xu hướng tăng.
Những ngày gần đây, mỗi ngày ghi nhận trung bình 15.000 ca mắc mới và đã xuất hiện ca nhiễm biến chủng Omiron. Tại Thái Bình, từ ngày 10/11/2021 đến nay ghi nhận 2.371 ca mắc, bình quân 49 ca/ngày. Dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có yếu tố dịch tễ phức tạp, đa dạng, mầm bệnh xâm nhập, lưu hành trong cộng đồng,… số ca nhiễm trong cộng đồng có xu hướng gia tăng. Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, chủ động kiểm soát và khống chế hiệu quả dịch bệnh COVID-19, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trên diện rộng nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, ngày 30/12/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 185/KH-UBND về phòng chống dịch bệnh COVID-19 dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Với phương châm: “ Cá nhân an toàn, gia đình an toàn, cơ quan đơn vị doanh nghiệp, cộng đồng an toàn, xã, phường, thị trấn an toàn”, huy động sức mạnh toàn dân, toàn hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, các cấp các ngành tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương có liên quan, của tỉnh. Vận dụng hiệu quả các nguyên lý, 3 trụ cột phòng, chống dịch (cách ly - xét nghiệm - điều trị) và công thức “5K+ vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân”.Chủ động phát hiện sớm các ca bệnh, chùm ca bệnh, ổ dịch COVID-19; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp khống chế dịch kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả, không để dịch lây lan, bùng phát ra diện rộng, hạn chế đến mức thấp nhất không có ca chuyển nặng và phấn đấu không có ca tử vong do COVID-19; đảm bảo sức khỏe, tính mạng nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Để thực hiện được mục đích trên, Kế hoạch yêu cầu các cấp, các ngành xây dựng Kế hoạch Tháng cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với điều kiện thực tiễn, diễn biến dịch bệnh tại địa phương, đơn vị với các biện pháp cụ thể, chi tiết đảm bảo thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương, đơn vị đạt kết quả cao. Các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 phải được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên, liên tục trong tháng cao điểm (kể cả các ngày nghỉ, Lễ, Tết) và gắn kết công tác phòng, chống dịch của địa phương, đơn vị với công tác phòng, chống dịch của tỉnh. Thần tốc, quyết liệt tổ chức điều tra, truy vết, quản lý, xử lý triệt để ca bệnh, chùm ca bệnh, ổ dịch COVID-19 và đối tượng nguy cơ cao ngay khi được phát hiện vào bất cứ thời gian nào, ngăn chặn kịp thời, khống chế không để dịch bùng phát, lan rộng.
Các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, quyết liệt, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ, ngành Trung ương và của tỉnh. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo tổ chức đánh giá mức độ nguy cơ dịch hàng tuần từ huyện, thành phố đến xã, phường, thị trấn (đánh giá tới quy mô thôn, tổ dân phố) từ đó làm cơ sở áp dụng các biện pháp hành chính cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, khu vực, loại hình, phương thức hoạt động của các dịch vụ, sản xuất, kinh doanh,... Các cơ quan, đơn vị thực hiện tổ chức đánh giá mức độ an toàn với dịch COVID-19 theo các tiêu chí, hướng dẫn của ngành Y tế. Xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể để triển khai thực hiện. Thường xuyên rà soát, bổ khuyết hoàn chỉnh Kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn và diễn biến dịch bệnh. Người đứng đầu cấp ngành, cơ quan các cấp, các cơ quan, đơn vị tăng cường chỉ đạo, quán triệt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động gương mẫu, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Thường xuyên phát động, triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường phòng, chống dịch gắn với các hoạt động dịp Lễ, Tết. Chỉ đạo đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong các hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa có nguy cơ. Tổ chức đợt cao điểm truyền thông, tuyên truyền phòng, chống dịch và tiêm vắc xin phòng COVID-19: Cơ quan truyền thông các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch, chủ đề, thời gian, dung lượng, hình thức tuyên truyền phù hợp với diễn biến tình hình dịch của tỉnh và từng địa phương (tăng cường tuyên truyền lưu động để dễ tiếp cận và nâng cao ý thức phòng, chống dịch của nhân dân). Nội dung tuyên truyền tập trung cảnh báo nguy cơ dịch bệnh, trách nhiệm trong phòng, chống dịch và khai báo y tế của mỗi người dân, mỗi đơn vị; thực hiện nghiêm 5K nhất là đeo khẩu trang và không tập trung đông người; hạn chế tối đa người đến, về địa phương khi không thực sự cần thiết; hạn chế tối đa tổ chức hoặc tổ chức quy mô phù hợp các sự kiện của mỗi gia đình, đơn vị, cộng đồng, xã hội... Xây dựng chuyên đề tuyên truyền về trách nhiệm, tính gương mẫu của đảng viên, cán bộ công chức, viên chức, các đoàn viên, hội viên,...trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết tiêm vắc xin phòng COVID-19 và trách nhiệm của mỗi công dân trong tiêm vắc xin là “phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng”.
Tập trung quản lý di biến động dân cư, người nhập cảnh và đối tượng nguy cơ. Tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đến, về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới Omicron để kịp thời cách ly y tế, xử lý triệt để không để lây lan, bùng phát dịch trong cộng đồng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý các trường hợp cách ly y tế tế tại nhà, nơi lưu trú, nhất là đối với các trường hợp F1; tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh từ các trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú ra cộng đồng; yêu cầu các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở,... đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Các địa phương, đơn vị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, test xét nghiện nhanh để các trường hợp nguy cơ, người lao động được tiếp cận xét nghiệm sàng lọc ngay SARS-CoV-2 bằng test nhanh khi có yêu cầu. Tăng cường quản lý hoạt động các dịch vụ và việc tổ chức sự kiện trong cộng đồng dân cư. Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong các doanh nghiệp, trường học. Tổ chức xét nghiệm phù hợp, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm đối với các khu vực, đối tượng nguy cơ cao, tránh lãng phí nguồn lực; tăng cường xã hội hóa trên cơ sở khuyến khích người dân, cộng đồng, cơ quan, doanh nghiệp chủ động tự xét nghiệm. Tổ chức thu dung, điều trị, cách ly người bệnh COVID-19. Thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin, tổ chức tiêm an toàn, nhanh nhất. Ngày 31/12/2021 hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 18 tuổi trong tháng 01/2022, khẩn trương tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên. Các địa phương khẩn trương rà soát các đối tượng, xây dựng kế hoạch tiêm cụ thể hàng tuần; quyết định các đội tiêm lưu động để tiêm vét sót tại nhà cho đối tượng không đến được các điểm tiêm chủng.
Các ban, ngành liên quan cần nghiêm túc thực hiện các quy định và phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để luôn kiểm soát được dịch bệnh, không để dịch bùng phát./.