• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng, chống tác hại của thuốc lá và rượu bia

          Trong những năm gần đây, trước những tác hại của rượu bia và thuốc lá gây ra cho sức khoẻ con người, các phương tiện thông tin đại chúng cùng các ngành, các cấp đã  và đang tích cực vào cuộc tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại (PCTH) của thuốc lá số 09/2012/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 18/6/2012 và Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia số 44/2019/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 14/6/2019.

Trong quá trình triển khai các hoạt động PCTH thuốc lá và rượu bia, ở nhiều nơi mặc dù các cơ quan chức năng đã có những biện pháp mạnh: xử phạt vi phạm hành chính như phạt tiền và các biện pháp khác..., tuy nhiên việc thực thi Luật PCTH của thuốc lá và Luật PCTH của rượu bia của nhiều cá nhân, tập thể cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chưa nghiêm, tỷ lệ người dân sử dụng thuốc lá và rượu bia vẫn còn cao.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, nhưng đa số là do nhận thức của người dân còn hạn chế về Luật PCTH của thuốc lá và Luật PCTH của rượu bia cũng như những tác hại của thuốc lá, rượu bia đối với sức khoẻ con người.

Ảnh hưởng của thuốc lá tới sức khỏe

Ông Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: mỗi năm thuốc lá cướp đi sinh mạng gần 08 triệu người trên thế giới. Một triệu người trong số đó vô tội. “Họ là những người hút thuốc lá thụ động”. Những con số thống kê liên quan đến việc sử dụng thuốc lá gióng lên hồi chuông cảnh báo nhân loại về tác hại của thuốc lá đến môi trường sống và sinh mệnh của con người.

Theo WHO, khói thuốc lá chứa tới hơn 7.000 chất hoá học, trong đó có khoảng 70 chất là tác nhân gây ung thư. Nicotin có trong khói thuốc lá dễ tan trong nước và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, hô hấp, thậm chí qua cả da. Tuy nhiên, người nghiện hút thuốc lá quá nhiều cũng không bị chết ngay vì liều lượng cứ ngấm dần vào cơ thể.

Khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp gây tổn thương trong lòng mạch máu. Ngoài ra hút thuốc lá còn làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh ở nam giới; tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú, đối với phụ nữ; dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng đối với trẻ em.

Hút thuốc lá thụ động là những người không hút thuốc, nhưng hít phải khói thuốc lá. Đôi khi những người này lại gánh chịu hậu quả nặng nề hơn. Ở nước ta, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh có liên quan đến thuốc lá và khoảng 33 triệu người không hút thuốc bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động.

Ảnh hưởng của bia rượu tới sức khỏe

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, trong số khoảng trên 540 ngàn ca tử vong/năm ở nước ta thì nguyên nhân liên quan đến rượu bia lên tới 40.000 ca (trên 7%). Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh. Trong khi đó, nhiều người vẫn nghĩ, mỗi tuần uống 2-3 lần, mỗi lần dăm bảy chén là bình thường, có gì mà nguy hại. Chính sự coi nhẹ này một phần lý giải vì sao tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến rượu bia ở nước ta lại ngày càng gia tăng.

          Ngoài những tác hại dễ nhận thấy sau khi uống như: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, chất cồn trong rượu bia còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, gây ra nhiều tác hại và gây bệnh cho cơ thể mà chúng ta không ngờ tới.

Tác hại của việc lạm dụng rượu bia rất nhiều, ngoài nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông, với góc độ bệnh tật và sức khỏe thì rượu bia gây ra các tác hại chủ yếu sau:

1. Độc hại với gan: Gan là cơ quan nội tạng rất quan trọng của con người, có thể ví gan như một nhà máy sản xuất ra tất cả các cơ chất quan trọng đối với cơ thể; đồng thời gan cũng là cơ quan thanh lọc, chuyển hóa tất cả những chất độc đối với cơ thể. Nhưng rượu bia lại là chất gây tổn thương gan đầu tiên và nặng nề nhất. Rượu làm cho gan bị nhiễm mỡ, sau đó xơ hóa và mất dần chức năng dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng, ung thư gan, …

2. Ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh: Uống rượu thường xuyên có liên quan với trầm cảm, lo âu và nhiều vấn đề tinh thần khác. Gần 1/3 các ca tự tử là có liên quan đến rượu.

3. Ảnh hưởng đến hệ tim mạch: Cồn là chất độc và có ảnh hưởng trực tiếp đến cơ tim. Do vậy khi một người uống rượu, tế bào cơ tim chết, và thay vào đó là mô xơ không có khả năng co bóp. Dẫn đến bệnh cơ tim do rượu, hậu quả là suy tim, loạn nhịp tim và tử vong.

4. Tăng nguy cơ mắc bệnh thận: Thường xuyên uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận lên gấp đôi. Thận lọc và thải chất độc ra khỏi dòng máu, rượu làm suy giảm khả năng thực hiện chức năng lọc và thải độc của thận.

5. Làm tăng nguy cơ gây ung thư: Theo giáo sư Linda Bauld thuộc Trung tâm nghiên cứu thuốc lá và rượu Anh Quốc, thì có bằng chứng xác đáng cho thấy rượu làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư như vòm họng, thực quản, gan, ruột và ung thư vú. Đặc biệt, người uống rượu lại rất hay kèm hút thuốc lá, càng làm tăng nguy cơ bệnh tật.

6. Rượu làm tăng nguy cơ loãng xương và bệnh Gút: Uống rượu thường xuyên gây loãng xương, làm xương mỏng, yếu và dễ gãy hơn, đồng thời cũng lâu liền hơn nếu bị gãy do cồn trong rượu bia ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tái tạo xương, ức chế sự tân tạo, do đó làm cán cân nghiêng về bên hủy xương. Cũng do rượu bia làm ảnh hưởng chức năng thận, trong đó có chức năng thải trừ a xit uric trong máu, dẫn đến tăng a xít uric làm nảy sinh bệnh Gút hoặc làm bệnh Gút tiến triển nặng hơn.

Trước những tác hại của rượu bia, thuốc lá gây ra với sức khoẻ con người, những người đang sử dụng hãy từ bỏ ngay thuốc lá, rượu bia khi chưa quá muộn./.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết