Tỉnh Thái Bình: Tập trung kiểm soát di biến động dân cư, đánh giá, xét nghiệm sàng lọc, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19
Sáng ngày 04/01/2022, đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chủ trì cuộc họp của UBND tỉnh nghe Sở Y tế báo cáo tình hình dịch bệnh và một số biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Y tế, tính từ ngày 01/01/2022 đến 7 h sáng 04/01/2022, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 254 ca mắc COVID-19. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số ổ dịch mới: ổ dịch tại xã Tam Quang (Vũ Thư) với 17 ca mắc; ổ dịch tại huyện Quỳnh Phụ (liên quan đến trường hợp là công nhân người Thái Bình làm việc tại tỉnh ngoài đi về hàng ngày) và ổ dịch tại chuỗi các cơ sở karaoke địa bàn huyện Kiến Xương liên quan đến các nhân viên mắc COVID-19…Về công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, có 03 Bệnh viện tuyến tỉnh và 12 Bệnh viện tuyến huyện hiện đang thu dung, điều trị 611 bệnh nhân.
Sau khi nghe các sở, ngành, địa phương báo cáo tình hình dịch bệnh và đề xuất một số giải pháp phòng, chống dịch, phát biểu kết luận, đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh nhấn mạnh, số ca mắc mới trên cả nước vẫn cao và chưa có dấu hiệu giảm. Thêm vào đó là sự xuất hiện biến chủng mới; một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, chưa chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch… khiến nguy cơ lây lan, bùng phát dịch là rất lớn nếu không kiểm soát tốt, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới.
Để giữ vững thành quả, kiểm soát tốt dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đề nghị, các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về phòng, chống dịch; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; xác định phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, gương mẫu, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người không cần thiết. Trong thời gian tới, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình dịch và các nhóm nguy cơ cao gia tăng dịch bệnh như: nhóm có người nhà về từ các vùng có dịch; nhóm liên quan đến việc vận chuyển, giao thương với các tỉnh ngoài, các loại hình dịch vụ…Các địa phương cần tập trung kiểm soát di biến động dân cư, rà soát, đánh giá, xét nghiệm sàng lọc để có biện pháp phù hợp. Khi xuất hiện ca mắc COVID-19 cần nhanh chóng truy vết, khoanh vùng kịp thời, không để dịch lây lan. Rà soát, tổng hợp nhanh số liệu tiêm vắc-xin phòng COVID-19 và chủ động thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.
Ngành Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế hướng dẫn người dân, nhất là các trường hợp nguy cơ chủ động thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh; chủ động phân bổ và phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin; chuẩn bị, dự phòng cơ số thuốc điều trị COVID-19. Các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19; đánh giá công tác điều trị COVID-19 ở tuyến huyện theo quy định, hạn chế thấp nhất tình trạng bệnh chuyển nặng. Chủ động giám sát, phân tích các ca nhiễm, xác định sớm biến chủng mới và dự báo tình hình dịch trong thời gian tới để kịp thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả.
Các ngành, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác kiểm tra; yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp bổ khuyết ngay các biện pháp chưa phù hợp và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn tỉnh./.