VÌ SAO BỘ Y TẾ KHUYẾN CÁO THÔNG ĐIỆP 2K+ THAY THẾ THÔNG ĐIỆP 5K PHÒNG, CHỐNG COVID-19 TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Trong thông điệp phòng, chống dịch COVID-19 mới nhất của Bộ Y tế, thông điệp 5K giảm còn 2K gồm khẩu trang, khử khuẩn. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ và đúng lịch, kết hợp "thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân" và các biện pháp khác
Với việc ban hành thông điệp phòng, chống dịch COVID-19 là 2K+ nhằm phù hợp với tình hình mới, ông Nguyễn Đình Anh – Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Bộ Y tế đã có cuộc trao đổi thêm về vấn đề này.
Câu 1. Xin ông cho biết sự cần thiết của việc đề xuất thông điệp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay?
Thông điệp 5K được Bộ Y tế được đưa ra từ tháng 8/2020 khi dịch COVID-19 đang bùng phát, với các biện pháp phòng, chống dịch (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập, Khai báo y tế). Thông điệp 5K là một trong những giải pháp truyền thông hữu hiệu giúp người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và đẩy lùi dịch COVID-19.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, toàn hệ thống chính trị và người dân đã đoàn kết, chung lòng khống chế thành công đại dịch COVID-19, đưa đất nước bước vào giai đoạn mới “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Hiện nay, theo Tổ chức Y tế thế giới nhận định: dịch COVID-19 chưa thể chấm dứt hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Thời gian gần đây, Việt Nam vẫn ghi nhận trung bình hơn 2.000 ca mắc mới mỗi ngày. Nhiều địa phương đã ghi nhận số ca mắc các biến thể phụ mới của Omicron lây nhanh hơn biến chủng gốc. Các biến thể phụ mới xuất hiện đang được cơ quan chức năng theo dõi, đánh giá và phối hợp với các tổ chức quốc tế kiểm soát hiệu quả, thường xuyên đánh giá nguy cơ.
Do đó, để thực hiện được mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa triển khai các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thực hiện Nghị quyết 38/NQ-CP ngày 17/3/2022, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã phê duyệt thông điệp phòng, chống dịch trong tình hình mới giúp các cấp ngành, địa phương và người dân chủ động thực hiện các biện pháp
phòng, chống dịch COVID-19 hữu hiệu, giúp kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội.
Câu 2. Vì sao thay đổi thông điệp phòng chống dịch COVID-19 từ 5K xuống 2K+ như vậy, thưa ông?
Có thể thấy khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh, tỷ lệ tiêm vắc xin tăng lên, (Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 258 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 và là một trong số những quốc gia có số liều vắc xin sử dụng và tỷ lệ bao phủ vắc xin cao trên thế giới), vì vậy, các biện pháp phòng, chống dịch cũng cần được điều chỉnh để phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh, nhằm tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, từng bước ổn định đời sống nhân dân nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Khi chuyển sang trạng thái thích ứng, an toàn, linh hoạt, tập trung phát triển kinh tế xã hội đòi hỏi phải điều chỉnh các biện pháp cho phù hợp, linh hoạt, do vậy, các biện pháp khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế toàn dân tại thời điểm này không còn phù hợp.
Ngày 26/4/2022, Bộ Y tế thông báo tạm dừng khai báo y tế tại cửa khẩu Việt Nam đối với người nhập cảnh, ngày 29/4/2022 tạm dừng khai báo y tế nội địa. Hiện nay, các hoạt động tập trung đông người đã được phép diễn ra trên phạm vi cả nước.
Đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, luôn có nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới. Vắc xin vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát dịch COVID-19. Mùa đông sắp đến, nguy cơ các bệnh đường hô hấp bùng phát, trong đó có dịch COVID-19, nhằm ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch truyền thông “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh” với Thông điệp 2K + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác cùng với 3 trụ cột (xét nghiệm, cách ly, điều trị) nhằm bảo vệ sức khoẻ của người dân.
Trong trường hợp xuất hiện biến chúng mới của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm, dịch lây lan mạnh trên diện rộng, vượt qua khả năng đáp ứng của ngành y tế vẫn tiếp tục sử dụng Thông điệp 5K và các biện pháp khác như: vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân.
Câu 3. Hiện nay nhiều người dân có tâm lý ‘thờ ơ’ với khẩu trang, khử khuẩn và cả tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, vậy theo ông liệu thông điệp mới nhất về phòng chống dịch của Bộ Y tế có tạo nên sự lan toả mạnh mẽ để ‘kích thích’ người dân tuân thủ thực hiện biện pháp trên?
Thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị trong và ngoài ngành y tế cần quán triệt thực hiện quan điểm tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại.
Đối với thông điệp mới trong phòng chống dịch này, Bộ Y tế mong muốn cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tại Trung ương và địa phương tăng cường chỉ đạo tổ chức hưởng ứng Chiến dịch “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh” với thông điệp 2K+ để tăng cường hiệu quả công tác truyền thông phòng, chống dịch giúp người dân nâng cao ý thức phòng dịch, chủ động thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe.
Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục tích cực đồng hành cùng ngành Y tế lan toả mạnh mẽ thông điệp đến cộng đồng xã hội, để người dân nâng cao nhận thức, duy trì hoặc thay đổi hành vi, tuân thủ các khuyến cáo phòng, chống dịch.
Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hiện hữu cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới; mùa đông xuân sắp đến các bệnh đường hô hấp như cúm mùa bùng phát, việc thực hiện thông điệp 2K+ là rất cần thiết. Việc mỗi người dân cần tuân thủ các biện pháp đeo khẩu trang, khử khuẩn mà ngành y tế đã khuyến cáo không chỉ góp phần phòng chống COVID-19 mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp khác nhất là giai đoạn chuyển mùa như hiện nay.
Cùng đó, chúng tôi cũng khuyến nghị người dân đi tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; cha mẹ, người giám hộ tích cực đưa con em mình đi tiêm vaccine đủ 2 liều cơ bản cho trẻ trong độ tuổi từ 5 – dưới 12 để bảo vệ trẻ đến trường, vui chơi an toàn.
Chúng tôi cho rằng việc mỗi người dân tuân thủ thực hiện thông điệp phòng chống dịch của Bộ Y tế không chỉ bảo vệ sức khoẻ của bản thân mà còn bảo vệ sức khoẻ của gia đình và cả cộng đồng để chúng ta cùng nhau sống an toàn trong đại dịch./.
PHƯƠNG THẢO – THÁI BÌNH
QUÉT MÃ QR CODE
để truy cập các tài liệu truyền thông, nội dung các hoạt động Chiến dịch truyền thông “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh”
Link tải tài liệu chương trình: https://1drv.ms/u/s!Amm0pPafka61hNV98aDtpNuE-cEaEA?e=fchaLu
THÔNG ĐIỆP 2K (KHẨU TRANG, KHỬ KHUẨN)
+ VẮC XIN + THUỐC + ĐIỀU TRỊ + CÔNG NGHỆ + Ý THỨC NGƯỜI DÂN VÀ CÁC BIỆN PHÁP KHÁC
- KHẨU TRANG:
Khuyến khích đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.
Bắt buộc đeo khẩu trang đối với:
Người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19;
Các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc mức độ 4 theo Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021;
Và áp dụng cụ thể với một số địa điểm và đối tượng theo Quyết định số 2447/QĐ-BYT ngày 06/9/2022 của Bộ Y tế.
(Hướng dẫn chi tiết theo Quyết định số 2447/QĐ-BYT ngày 06/9/2022 của Bộ Y tế)
- KHỬ KHUẨN: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.
(Hướng dẫn chi tiết theo Khuyến cáo của cơ quan y tế)
- VẮC XIN: thực hiện tiêm phòng COVID-19 đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp về THUỐC + ĐIỀU TRỊ + CÔNG NGHỆ + Ý THỨC NGƯỜI DÂN và các biện pháp khác:
+ Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
+ Tuân thủ các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 và khám bệnh khi có các dấu hiệu bất thường sau mắc COVID-19.
+ Sử dụng các ứng dụng công nghệ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
+ Ý thức người dân: chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, không phát tán tuyên truyền thông tin xấu – độc, tham gia và tuân thủ các quy định về hoạt động phòng, chống dịch của cơ quan chức năng.
+ Các biện pháp khác: theo hướng dẫn của cơ quan y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền tại trung ương và địa phương.
---
Hướng dẫn chi tiết 2K (KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN)
HƯỚNG DẪN ĐEO KHẨU TRANG
PHÒNG, CHỐNG COVID-19 TRONG TÌNH HÌNH MỚI
(Theo Quyết định số 2447/QĐ-BYT ngày 06/9/2022 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn sử dụng khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi công cộng)
HƯỚNG DẪN KHỬ KHUẨN
PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRONG TÌNH HÌNH MỚI
1. Đối với nơi ở, nơi làm việc, trường học, nơi lưu trú (hộ gia đình, khu chung cư, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, ký túc xá):
a) Thực hiện tốt vệ sinh môi trường khi không có người mắc hoặc nghi mắc COVID-19.
b) Khi có người có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 (đau họng, sốt, ho, khó thở), hoặc được xác định mắc COVID-19; hoặc nơi ở, nơi lưu trú được sử dụng để cách ly người mắc COVID-19:
- Thực hiện vệ sinh khử khuẩn hàng ngày các bề mặt vật dụng thường xuyên tiếp xúc (như sàn nhà, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy (nếu có), vòi nước, nút xả bồn cầu, mặt bàn ghế, khung giường, tủ quần áo, bàn phím,...).
- Biện pháp thực hiện: Dùng khăn lau thấm các chất tẩy rửa thông thường hoặc các dung dịch khử khuẩn chứa 0,05% Clo hoạt tính hoặc cồn 70% lau các bề mặt cần lau theo nguyên tắc từ chỗ sạch đến chỗ bẩn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Nếu sàn nhà hoặc bề mặt vật dụng bẩn, cần làm sạch sàn nhà, bề mặt bằng xà phòng và nước trước khi khử khuẩn. Sử dụng khẩu trang, găng tay cao su, kính bảo vệ mắt khi thực hiện vệ sinh khử khuẩn.
2. Các nơi công cộng như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng,...:
a) Thực hiện tốt vệ sinh môi trường hàng ngày, lau các bề mặt thường xuyên tiếp xúc bằng các chế phẩm tẩy rửa đa năng.
b) Thực hiện vệ sinh khử khuẩn các bề mặt thường xuyên tiếp xúc trong trường hợp có người (nhân viên, khách hàng) được xác định mắc COVID-19. Biện pháp thực hiện như hướng dẫn đối với nơi ở, nơi làm việc./.