• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

05 Dấu hiệu của bệnh Đái tháo đường type 2

Đái tháo đường (ĐTĐ) type 2 là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, trong đó cơ thể không sử dụng hiệu quả insulin – hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Đây là loại ĐTĐ phổ biến nhất, thường gặp ở người trưởng thành. Tuy nhiên, hiện nay bệnh đang có xu hướng trẻ hóa do lối sống thiếu vận động, thừa cân – béo phì, chế độ ăn uống không hợp lý, khoa học.

Theo thống kê, hàng triệu người Việt đang sống chung với bệnh mà không biết mình mắc bệnh, bởi giai đoạn đầu bệnh tiến triển âm thầm, ít biểu hiện rõ ràng.

  Dưới đây là 05 dấu hiệu của Đái tháo đường type 2:

          Đi tiểu nhiều, khát nước liên tục

           Người mắc bệnh ĐTĐ type 2 có biểu hiện đầu tiên là đi tiểu thường xuyên nhiều lần cả ngày lẫn đêm. Thông thường, cơ thể có thể tái hấp thu glucose khi chúng đi qua thận. Nhưng khi lượng đường trong máu quá cao, thận phải cố gắng loại bỏ đường dư thừa trong máu bằng cách lọc nó ra khỏi máu, dẫn đến cơ thể tạo ra nhiều nước tiểu hơn bình thường. Khi đi tiểu nhiều sẽ khiến chúng ta rất nhanh bị khát nước, việc uống nước nhiều hơn cũng làm đi tiểu thêm nhiều hơn.

          Người mắc bệnh ĐTĐ type 2  thường xuyên khát nước. Ngoài việc khát do đi tiểu thường xuyên thì nó có liên quan đến lượng đường trong máu cao nên gây ra cảm giác khát.

          Đi tiểu đường xuyên là cần thiết để loại bỏ lượng đường dư thừa trong máu, nhưng nó khiến cơ thể cần một lượng nước lớn để bù vào. Tình trạng này kéo dài càng lâu có thể gây ra mất nước nghiêm trọng

         Người bệnh nhanh có cảm giác đói và mệt mỏi

          Hệ tiêu hóa phân hủy thức ăn thành đường glucose đơn giản để tế bào sử dụng làm năng lượng. Tế bào cần insulin để hấp thụ glucose. Nếu cơ thể không sản xuất đủ, hoàn toàn ngừng sản xuất insulin hoặc xuất hiện tình trạng tế bào đề kháng insulin, tế bào sẽ không có đủ năng lượng để hoạt động. Điều này dẫn đến cơ thể mệt mỏi và luôn phát tín hiệu đói.

          Việc không có đủ năng lượng khiến thường cảm thấy đói cồn cào, thèm ăn và ăn nhiều hơn. Người bệnh có thể bị tăng cân, nhưng đôi khi, người bệnh  cũng có thể bị giảm cân không rõ lý do.

 

          Tê hoặc ngứa ran bàn tay hoặc bàn chân

          Lượng đường trong máu cao ảnh hưởng đến lưu thông máu và gây tổn thương dây thần kinh. Những người bị bệnh  ĐTĐ type 2 thường cảm thấy tê hoặc ngứa ran như kiến bò ở bàn tay, bàn chân, ngón tay hoặc ngón chân. Tình trạng này thường không xuất hiện ngay từ đầu mà phát triển từ từ đến nhiều năm sau mới có dấu hiệu.

          Tuy nhiên, với nhiều người thì đây có thể là dấu hiệu đầu tiên để phát hiện bệnh  ĐTĐ do các dấu hiệu khác dễ bị bỏ qua. Tình trạng này có thể xấu đi theo thời gian trở thành đau, sưng, là dấu hiệu tổn thương thần kinh nặng.

          Vết thương chậm lành

          Người mắc ĐTĐ dễ bị nhiễm trùng da, viêm nướu, nhiễm trùng tiết niệu hoặc âm đạo. Đường huyết cao làm giảm lưu thông máu và suy yếu hệ miễn dịch, khiến những vết trầy xước nhỏ cũng lâu lành hơn bình thường, dễ sưng viêm, thậm chí nhiễm trùng nặng.

        Nhiễm nấm tái đi tái lại

         Môi trường có đường dư thừa là điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển, đặc biệt ở những vùng da ẩm ướt như miệng, vùng sinh dục, nách. Biểu hiện thường là ngứa, sưng đỏ, đau rát – nếu xảy ra nhiều lần nên nghĩ tới nguy cơ đái tháo đường.

          Bệnh ĐTĐ  không thể chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát bằng cách duy trì cân nặng hợp lý, có chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục và sử dụng thuốc kiểm soát đường huyết. Quan trọng nhất là cần phát hiện sớm. Nếu phát hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán. Việc chẩn đoán và điều trị sớm có thể làm giảm đáng kể nguy cơ biến chứng do đái tháo đường, có thể gây tử vong.


Tác giả: Ths Hồng Nhung
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết