Hen phế quản – Căn bệnh mạn tính đáng báo động tại Việt Nam
Hen phế quản là một trong những bệnh lý hô hấp mạn tính phổ biến và đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam. Theo thống kê, có khoảng 4 triệu người Việt đang phải sống chung với bệnh Hen phế quản, tương đương gần 4% dân số. Mỗi năm, căn bệnh này cướp đi sinh mạng của từ 3.000 đến 4.000 người – trong khi phần lớn những ca tử vong này hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu người bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.
Hen phế quản ảnh hưởng tới sức khỏe
Không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống, hen phế quản còn gây ảnh hưởng lớn đến công việc, học tập, sinh hoạt hàng ngày và tạo gánh nặng cho hệ thống y tế do chi phí điều trị kéo dài, nguy cơ nhập viện cao.
Hen phế quản có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ, người trưởng thành đến người cao tuổi, đặc biệt là những người có cơ địa dị ứng hoặc sống trong môi trường ô nhiễm.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh Hen phế quản
Hen phế quản do nhiều yếu tố tác động gây ra, bao gồm:
Di truyền: Nếu trong gia đình có người mắc hen hoặc các bệnh dị ứng khác, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.
Tiếp xúc với dị nguyên: Khói bụi, phấn hoa, lông thú, nấm mốc, gián, hóa chất hoặc ô nhiễm không khí là những yếu tố phổ biến gây khởi phát cơn hen.
Nhiễm trùng hô hấp: Đặc biệt là ở trẻ nhỏ, có thể làm tổn thương đường thở và góp phần phát triển cơn hen.
Tác nhân nghề nghiệp: Một số người làm việc trong môi trường chứa bụi, hóa chất, khói có nguy cơ mắc hen cao hơn.
Hút thuốc lá và khói thuốc thụ động: Là yếu tố nguy cơ hàng đầu cho các bệnh lý hô hấp, bao gồm hen.
Biểu hiện thường gặp
Hen phế quản có thể biểu hiện ở nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, bao gồm:
- Ho kéo dài, đặc biệt về đêm hoặc sáng sớm;
- Khó thở, thở gấp, thở rít;
- Cảm giác nặng ngực, tức ngực;
- Thở khò khè…
Cơn khó thở xuất hiện từng đợt, đặc biệt sau khi tiếp xúc với dị nguyên, khi gắng sức hoặc thay đổi thời tiết.
Trong những trường hợp nặng, người bệnh có thể rơi vào cơn hen cấp tính với tình trạng suy hô hấp nghiêm trọng, cần được cấp cứu kịp thời.
Phòng bệnh Hen phế quản
Hen phế quản không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể kiểm soát tốt nếu người bệnh:
- Tuân thủ điều trị đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ;
- Tránh các yếu tố gây kích thích cơn hen;
- Không hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc khói bụi, ô nhiễm;
- Giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng khí;
- Tập thể dục đều đặn, phù hợp với sức khỏe;
- Tiêm vắc xin phòng cúm, phế cầu định kỳ.
Hen phế quản là một bệnh lý hô hấp mạn tính có tỷ lệ mắc cao tại Việt Nam và tiềm ẩn nguy cơ tử vong nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường phát hiện sớm, điều trị đúng và phòng bệnh hiệu quả là vô cùng cần thiết để bảo vệ lá phổi của mỗi người và mỗi gia đình ngay hôm nay!