• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

THÁI BÌNH GHI NHẬN 70 CA MẮC TAY CHÂN MIỆNG TRONG TUẦN 20

Trong tuần từ 11/5- 18/5/2025 (tuần 20), tỉnh Thái Bình ghi nhận 70 trường hợp mắc bệnh Tay chân miệng đến điều trị tại các cơ sở y tế toàn tỉnh. Số ca mắc mới có xu hướng tăng nhẹ so với những tuần trước và xuất hiện rải rác tại các huyện, thành phố, chưa ghi nhận chùm ca bệnh hay ổ dịch có nguy cơ cao trong cộng đồng.

          Tay chân miệng (Hand, Foot, Mouth Disease – HFMD) là một bệnh nhiễm vi rút cấp gây ra các vết phồng rộp ở miệng, cổ họng, bàn tay và bàn chân của người bệnh. Bệnh Tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, lây truyền qua đường tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng, phân hoặc bọng nước của người bệnh. Thời điểm giao mùa, đặc biệt từ tháng 4 đến tháng 6 là giai đoạn bệnh có thể gia tăng mạnh nếu không chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng.

           Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 340 trường hợp mắc bệnh Tay chân miệng, không có trường hợp tử vong. Ngành y tế tỉnh Thái Bình đã và đang tiếp tục tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, phối hợp với các trường học để hướng dẫn thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh như rửa tay bằng xà phòng, khử khuẩn đồ chơi, dụng cụ học tập, vệ sinh lớp học và môi trường xung quanh.

  Cách phòng bệnh Tay chân miệng

Để giảm nguy cơ mắc bệnh Tay chân miệng ở trẻ, bố mẹ và người chăm sóc cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau đây:

1.Tập cho trẻ thói quen rửa tay cẩn thận với xà phòng khử khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, ho, hắt hơi, xì mũi hay tiếp xúc với chất dịch cơ thể của người khác.

          2.Không cho trẻ dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác như ly uống nước, khăn tắm, bàn chải đánh răng, quần áo,…

3.Dùng khăn giấy che miệng khi ho, hắt hơi, xì mũi, sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác.

4.Thường xuyên khử khuẩn, làm sạch đồ chơi của trẻ và môi trường sống.

5. Người dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, đưa trẻ đi khám sớm nếu có biểu hiện nghi ngờ như sốt, nổi ban ở lòng bàn tay, bàn chân, loét miệng…để được chẩn đoán và xử trí kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.


Tác giả: Hoàng Thía - Vũ Khuyên
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết