Chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm mùa hè
Phóng viên (PV): Thưa Bác sĩ CKII Lưu Thị Ánh Tuyết- Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình, vào mùa hè, thời tiết nắng nóng thay đổi thất thường, BS có thể cho biết những bệnh truyền nhiễm hay gặp vào mùa hè?
Bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết: Mùa hè là thời điểm thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật, vi khuẩn phát triển, do đó có nguy cơ gia tăng nhiều bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, hô hấp và qua côn trùng trung gian truyền bệnh. Một số bệnh thường gặp như: Covid-19, Cúm (A, B), Sốt xuất huyết, Tay chân miệng, Thủy đậu, Tiêu chảy cấp (do virus Rota, vi khuẩn tả, lỵ…), Sởi, Ho gà, Viêm màng não do não mô cầu, Viêm não Nhật Bản… Đáng chú ý, bệnhTay chân miệng, Sốt xuất huyết thường xảy ra thành từ đợt và hay gặp ở trẻ em do trẻ có sức đề kháng yếu. Ngoài ra, cũng có thể gặp Viêm não Nhật Bản ở những người không được tiêm vắc xin phòng bệnh.
PV: Trong số những bệnh Bác sĩ vừa đề cập, bệnh nào đang có nguy cơ bùng phát tại Thái Bình vào thời điểm hiện tại?
Bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết: Thời điểm mùa hè như hiện nay thường là cao điểm của bệnh Tay chân miệng, Tiêu chảy cấp, Cúm A, Sốt xuất huyết... Chúng tôi cũng đang chủ động tăng cường các biện pháp phòng bệnh Sốt xuất huyết vì ở miền Bắc hiện nay đang là mùa muỗi vằn phát triển mạnh. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, lại là mùa nghỉ hè của trẻ em và du lịch, việc ăn uống ở hàng quán không đảm bảo vệ sinh, chưa được đáp ứng đầy đủ điều kiện nước sạch, vệ sinh tay, ăn chín, uống sôi, thu gom, xử lý rác chưa kịp thời… có thể dẫn đến mắc các bệnh tiêu chảy cấp, ngộ độc thực phẩm.
PV: Vậy Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình đã triển khai những biện pháp gì để phòng chống các bệnh truyền nhiễm mùa hè?
Bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết:
Ngành Y tế đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như:
1. Giám sát dịch tễ chặt chẽ: Trung tâm KSBT phối hợp các đơn vị y tế theo dõi, phát hiện kịp thời ca bệnh tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã để khoanh vùng xử lý kịp thời, không để dịch bùng phát, lan rộng.
2. Tổ chức các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tờ rơi, loa truyền thanh, Trung tâm KSBT liên tục phối hợp với các đơn vị, địa phương, cập nhật thông tin dịch bệnh và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
3. Phối hợp với Ngành giáo dục – Đào tạo chỉ đạo các trường học, nhà trẻ: thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang, vệ sinh đồ chơi và vật dụng cá nhân, vệ sinh môi trường, theo dõi sức khỏe học sinh hàng ngày, hàng tuần, tổ chức các chiến dịch tiêm chủng.
4. Tăng cường tiêm chủng mở rộng: Đảm bảo trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin trong chương trình TCMR, chú ý vắc xin phòng viêm não Nhật Bản, Sởi, Cúm, Tiêu chảy do vi rút Rota…
5. Hướng dẫn xử lý môi trường: Tuyên truyền người dân tham gia các chiến dịch VSMT, thu gom, xử lý rác thải, diệt muỗi và bọ gậy, lật úp dụng cụ chứa nước để phòng sốt xuất huyết.
6. Hướng dẫn người dân, cộng đồng thực hiện lựa chọn thực phẩm an toàn, ăn chín, uống chín, không ăn tiết canh, gỏi cá...
PV: Bác sĩ có thể đưa ra một số khuyến cáo cụ thể để người dân chủ động bảo vệ sức khỏe trong mùa hè này?
Bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết: Để phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa hè, mỗi người dân và gia đình cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:
1. Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi làm việc, chăm sóc trẻ em, người già, người bệnh.
2. Ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, không ăn đồ ăn không rõ nguồn gốc hoặc quá hạn sử dụng, đá lạnh cần làm từ nước đun sôi để nguội.
3. Diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy, ruồi, gián, chuột: Đậy kín dụng cụ chứa nước, loại bỏ các vật dụng có thể đọng nước quanh nhà, vệ sinh nhà cửa, cống rãnh...Nằm màn chống muỗi đốt kể cả ban ngày, thoa kem chống muỗi đốt, dùng vợt muỗi, hương muỗi. Diệt ruồi, gián, chuột là trung gian truyền bệnh.
4. Tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho trẻ em, người lớn, phụ nữ, người có bệnh nền…
5. Ai đó có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm như: sốt cao, phát ban, đau đầu, tiêu chảy…, hoặc bị súc vật (chó, mèo) cắn…cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cách ly sớm, khám, điều trị, tiêm phòng kịp thời, ngăn ngừa biến chứng gây nặng bệnh và tử vong.
PV: Xin cảm ơn Bác sĩ về những thông tin hữu ích. Chúc Bác sĩ và Trung tâm tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân!