05 bí quyết bảo đảm an toàn thực phẩm mùa Hè
Thực phẩm có thể bị nhiễm bẩn ở bất kỳ thời điểm nào trước khi ăn. Thực hiện tốt các biện pháp an toàn thực phẩm có thể phòng tránh phần lớn các bệnh do thực phẩm gây nên.
Mùa Hè, nắng nóng là thời điểm nguy cơ mất an toàn thực phẩm gia tăng mạnh do nhiệt độ cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển nhanh chóng trong thực phẩm. Thực phẩm dễ ôi thiu, biến chất nếu không được bảo quản đúng cách, nhất là các loại thức ăn chế biến sẵn, thực phẩm tươi sống, thức ăn và đồ uống đường phố. Bên cạnh đó, thói quen chủ quan, dùng phải thực phẩm không rõ nguồn gốc, để ở nhiệt độ ngoài trời lâu hoặc ăn uống tại những nơi kém vệ sinh làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm và mắc các bệnh truyền qua thực phẩm. Việc tăng cường kiểm soát, nâng cao ý thức người dân trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm an toàn là rất cần thiết trong mùa Hè.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo 05 bí quyết đảm bảo an toàn thực phẩm:
1. Giữ vệ sinh sạch sẽ
Vi sinh vật gây bệnh có thể có mặt ở khắp nơi (trong đất, nước, động vật và người) và dễ dàng lây lan vào thức ăn qua bàn tay, khăn lau, đồ dùng nhà bếp... Chính vì vậy, chúng ta cần rửa tay thật sạch trước khi nấu nướng và trong khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi làm các công việc khác. Giữ gìn và bảo quản thức ăn và nhà bếp sạch sẽ khỏi côn trùng, vật nuôi và các loài vật gây hại. Rửa sạch và vệ sinh các đồ dùng chế biến thức ăn.
2. Bảo quản riêng biệt thức ăn sống và chín
Thực phẩm tươi sống (đặc biệt là thịt, thịt gia cầm và hải sản) có thể chứa vi khuẩn nguy hiểm và lây sang thực phẩm khác trong quá trình chế biến hoặc bảo quản. Chính vì vậy, cần bảo quản riêng biệt thịt, thịt gia cầm, đồ ăn hải sản với các thức ăn khác. Không những vậy, người chế biến cần sử dụng riêng biệt các dụng cụ nhà bếp như dao, thớt cho thức ăn sống. Bảo quản thức ăn trong hộp đựng phù hợp, tránh để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm đã chế biến.
3. Nấu kỹ thức ăn
Việc nấu nướng hợp vệ sinh có thể diệt được hầu hết vi sinh vật nguy hại. Cần đặc biệt lưu ý khi chế biến thịt băm, thịt nướng và thịt gia cầm. Chúng ta cần nấu kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt, thịt gia cầm, trứng và đồ ăn hải sản. Thịt và thịt gia cầm phải chín kỹ, nước không còn màu hồng. Hâm nóng kỹ thức ăn đã nấu chín khi sử dụng lại.
4. Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp
Vi khuẩn sinh sôi rất nhanh ở nhiệt độ phòng. Bảo quản lạnh (dưới 5°C) và nấu chín giúp hạn chế hoặc tiêu diệt vi khuẩn. Vì vậy, không để thức ăn chín ở nhiệt độ phòng quá 2 tiếng. Bảo quản thức ăn chín và thực phẩm dễ hỏng ở nhiệt độ lạnh (dưới 5°C). Đảm bảo thức ăn chín thật nóng trước khi ăn. Không bảo quản thực phẩm quá lâu, kể cả trong tủ lạnh. Không rã đông thực phẩm ở nhiệt độ phòng.
5. Sử dụng nước sạch và thực phẩm tươi sống
Nước chưa đun sôi và đá làm từ nước lã có thể chứa vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Thực phẩm lên men có thể sinh ra các chất độc hại. Chọn thực phẩm tươi sống và thực hiện các bước vệ sinh cơ bản giúp giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Mỗi gia đình cần sử dụng nước sạch, rửa kỹ rau quả, đặc biệt là rau sống, không dùng thực phẩm đã bị ôi thiu hoặc quá hạn sử dụng./.