• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh Đậu mùa khỉ

Trong thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh Đậu mùa khỉ  tại Việt Nam đang có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt tại khu vực phía Nam, với số ca mắc và tử vong có xu hướng gia tăng. Dù không phải là một bệnh mới, song việc lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, nhất là ở các nhóm nguy cơ cao, đang khiến Đậu mùa khỉ  trở thành mối đe dọa đáng lo ngại đối với sức khỏe cộng đồng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh Đậu mùa khỉ là bệnh do vi rút Đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm có thể lây truyền từ động vật sang người, cũng có thể lây truyền từ người sang người.

Các dấu hiệu ban đầu của bệnh Đậu mùa khỉ bao gồm sốt, nổi hạch, mệt mỏi, phát ban dạng mụn nước, mụn mủ – thường xuất hiện ở mặt, tay, bộ phận sinh dục hoặc quanh hậu môn. Bệnh có thể để lại biến chứng nặng và gây tử vong, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch suy yếu.

 Virus Đậu mùa khỉ có thể lây truyền qua tiếp xúc gần da-kề-da, chất dịch cơ thể, giọt bắn đường hô hấp, và đặc biệt là qua quan hệ tình dục không an toàn. Ngoài ra, việc dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh cũng có thể khiến virus lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế Việt Nam, tính đến tháng 4 năm 2025, cả nước đã ghi nhận tổng cộng 202 ca mắc Đậu mùa khỉ, trong đó có 8 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, TP.HCM là địa phương ghi nhận số ca mắc cao nhất với 156 trường hợp, chiếm gần 77% tổng số ca trên cả nước, và cũng là nơi xảy ra 6/8 ca tử vong. Các tỉnh khác như Long An, Đồng Nai, Cà Mau và Kiên Giang cũng đã bắt đầu ghi nhận các ca bệnh rải rác, cho thấy dịch bệnh không còn khu trú mà đang lan rộng tại các khu vực lân cận.

Đáng lo ngại hơn, phần lớn các ca mắc bệnh tại Việt Nam đều rơi vào nhóm nam giới, trong đó 84% là người có quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Ngoài ra, 55% số bệnh nhân sống chung với HIV, một phần trong số đó không được điều trị ổn định. Điều này cho thấy nhóm MSM và người nhiễm HIV đang là đối tượng có nguy cơ cao nhất, đồng thời phản ánh thực trạng thiếu tiếp cận thông tin y tế, kiến thức phòng bệnh và dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp.

Biến thể Đậu mùa khỉ lưu hành tại Việt Nam hiện nay chủ yếu thuộc Clade IIb, một biến thể được đánh giá có khả năng lây lan trung bình.

Để đối phó với tình hình trên, ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp giám sát và phòng chống Đậu mùa khỉ như tăng cường kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, hướng dẫn cơ sở y tế tuyến đầu cách xử lý, điều trị và cách ly bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có vaccine Đậu mùa khỉ.

Các biện pháp phòng bệnh Đậu mùa khỉ

- Rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

- Tránh tiếp xúc gần với người có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.

- Không dùng chung vật dụng cá nhân như khăn, dao cạo, chăn gối.

- Thực hiện quan hệ tình dục an toàn.

- Khi thấy những biểu hiện bất thường, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm và cách ly kịp thời, tránh lây lan trong cộng đồng.

Bệnh Đậu mùa khỉ hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Mỗi người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng, tuân thủ đầy đủ khuyến cáo của ngành y tế và không kỳ thị với người bệnh./.


Tác giả: Ths Hồng Nhung
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết