• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nắng nóng, trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng

Trong những tháng hè nắng nóng, trên cả nước cũng như tại tỉnh Thái Bình, số lượng trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng đáng kể, trong đó viêm đường hô hấp trên là một trong những bệnh lý phổ biến nhất. Mặc dù phần lớn các trường hợp là nhẹ và tự khỏi, nhưng nếu không được theo dõi và xử lý đúng cách, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân gây bệnh viêm đường hô hấp trên

Theo các chuyên gia y tế, phần lớn các trường hợp viêm đường hô hấp trên ở trẻ em là do virus gây ra. Một số loại virus thường gặp bao gồm:

  • Rhinovirus – nguyên nhân phổ biến nhất gây cảm lạnh thông thường.
  • Adenovirus – gây viêm họng, viêm kết mạc, sốt cao.
  • Parainfluenza virus – có thể dẫn đến viêm thanh quản, viêm khí quản.
  • Virus cúm (Influenza virus) – gây sốt cao, đau nhức người, ho nhiều.
  • Coronavirus – ngoài những chủng gây COVID-19, còn có nhiều chủng khác gây cảm nhẹ.

Ngoài ra, một số trường hợp có thể do vi khuẩn như Streptococcus pyogenes (gây viêm họng liên cầu khuẩn), Haemophilus influenzae hoặc Moraxella catarrhalis. Tuy nhiên, các ca mắc bệnh do vi khuẩn chiếm tỷ lệ thấp hơn nhiều so với ca bệnh do virus.

Biểu hiện nhận biết

Viêm đường hô hấp trên ở trẻ em thường có biểu hiện khá điển hình, bao gồm:

  • Sốt (thường nhẹ đến vừa, nhưng đôi khi có thể sốt cao trên 38,5 độ C).
  • Ho khan hoặc ho có đờm.
  • Sổ mũi, nghẹt mũi.
  • Hắt hơi, đau họng, khàn tiếng.
  • Trẻ nhỏ có thể quấy khóc, bú kém, ngủ không yên giấc.

Các biểu hiện bệnh thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày và tự khỏi nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nếu không theo dõi kỹ, bệnh có thể tiến triển thành viêm tai giữa, viêm phổi hoặc viêm thanh quản co thắt.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám ngay?

Phụ huynh nếu thấy con có các dấu hiệu dưới đây cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế ngay:

  • Sốt cao liên tục trên 2 ngày, không đáp ứng thuốc hạ sốt
  • Thở nhanh, thở rít hoặc khó thở
  • Bú kém, bỏ ăn hoàn toàn
  • Nôn nhiều, tiêu chảy kéo dài.
  • Ngủ li bì, lừ đừ, không chơi đùa như bình thường.
  • Phát ban toàn thân hoặc co giật.

Đây có thể là dấu hiệu bệnh đã biến chứng nặng hoặc liên quan đến các bệnh lý nghiêm trọng hơn như viêm phổi, sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn huyết...

Phòng tránh bệnh đường hô hấp hiệu quả từ những thói quen đơn giản

Viêm đường hô hấp trên là bệnh phổ biến nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh bằng các biện pháp đơn giản và hiệu quả:

  • Rửa tay thường xuyên cho trẻ và người chăm sóc bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
  • Tránh đưa trẻ đến nơi đông người trong mùa dịch hoặc khi có nhiều ca bệnh hô hấp.
  • Hạn chế dùng điều hòa ở nhiệt độ quá thấp, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột.
  • Không cho trẻ uống nước lạnh thường xuyên, tránh ăn đồ lạnh quá mức.
  • Vệ sinh cá nhân, nhà cửa, đồ chơi, vật dụng cá nhân sạch sẽ.
  • Tiêm vắc xin đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng, ngoài ra có thể tiêm thêm vắc xin phòng bệnh cúm và phế cầu (vắc xin dịch vụ).

Viêm đường hô hấp trên là bệnh thường gặp ở trẻ em, đặc biệt trong mùa hè và thời điểm giao mùa. Dù đa số trường hợp là lành tính, tuy nhiên phụ huynh không nên chủ quan mà cần theo dõi kỹ các biểu hiện bệnh, chăm sóc đúng cách và đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường. Đồng thời, chủ động phòng tránh bằng vệ sinh, dinh dưỡng và tiêm chủng là cách hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe cho trẻ./.


Tác giả: Hoàng Thía - Vũ Khuyên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết