Tê bì chân tay, nguyên nhân và cách phòng tránh
Tình trạng tê bì chân tay là cảm giác như kim châm ở các đầu ngón hoặc tay chân mất cảm giác thoáng qua là hiện tượng khá phổ biến nhưng lại thường bị xem nhẹ. Tuy nhiên, nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, kéo dài thì rất có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Tê bì chân tay là biểu hiện của bệnh gì?
Tê bì chân tay có thể khởi phát nhẹ nhàng với cảm giác tê ở các đầu ngón, lan dần ra lòng bàn tay, bàn chân, thậm chí lên tới cánh tay, bả vai, đùi hay vùng thắt lưng. Người bệnh có thể cảm thấy khó chịu, thậm chí mất cảm giác hoặc đau nhức tùy từng mức độ.
Tình trạng này có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý tiềm ẩn như: thoái hóa cột sống cổ hoặc thắt lưng, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, hội chứng ống cổ tay hoặc biến chứng thần kinh ngoại biên do đái tháo đường. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể sụt cân nhanh dù ăn uống bình thường, hoặc có biểu hiện yếu cơ, giảm vận động, cần đi khám sớm tại cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân gây tê bì chân tay
Nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng tê bì chân tay thường xuyên là ít vận động, chế độ ăn uống không hợp lý cộng thêm áp lực cuộc sống...
Bên cạnh đó, tê bì chân tay thường xuyên còn xuất hiện trong một số trường hợp sau:
- Mạch máu và thần kinh bị chèn ép khiến máu khó lưu thông dẫn đến tê bì chân tay. Các tư thế đứng ngồi, ngủ sai tư thế, lao động nặng, ngồi liên tục... là các nguyên nhân dẫn đến tê chức chân tay thường xuyên.
- Một số trường hợp tê bì chân tay do thời tiết thay đổi, đặc biệt khi chuyển mùa, trời lạnh, gây rối loạn cảm giác.
- Một số loại thuốc gây tác dụng phụ tê bì chân tay.
- Người bệnh đái tháo đường thường có triệu chứng tê bì chân tay do biến chứng của bệnh.
- Phụ nữ có thai ở cuối thai kỳ thường có triệu chứng tê bì chân tay do thai chèn ép các mạch máu, dây thần kinh khiến việc tuần hoàn máu khó hơn. Bởi vậy khi ở một tư thế lâu, khi ngủ bị chèn ép, thực hiện các động tác ngồi xổm, đứng lâu sẽ bị tê bì tay chân thường xuyên.
Phòng bệnh tê bì chân tay
Các biện pháp để phòng ngừa bệnh tê bì chân tay như:
+ Tăng cường vận đồng cơ thể, tập thể dục thường xuyên.
+ Đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý, bổ sung đầy đủ các vi chất.
+ Hạn chế ngồi một tư thế quá lâu, không vận động...
+ Hạn chế rượu bia, các chất kích thích.
+ Không hút thuốc lá.
+ Giữ ấm cho tay chân khi chuyển mùa, đặc biệt là mùa đông.
+ Người có biểu hiện tê bì chân tay cần được đi khám tại cơ sở y tế, làm các xét nghiệm cần thiết để tìm ra chính xác nguyên nhân. Qua đó, người bệnh được chẩn đoán, điều trị kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt, những người bị bệnh đái tháo đường, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh tim mạch, người mắc bệnh mãn tính khác... cần tuân thủ điều trị, duy trì khám sức khỏe định kỳ và đi khám ngay tại cơ sở y tế khi có biểu hiện tê bì chân tay./.