• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng bệnh loãng xương ở phụ nữ

Loãng xương là bệnh xương chuyển hóa tiến triển làm giảm mật độ chất khoáng trong xương, kèm suy giảm cấu trúc xương. Xương yếu, có thể dẫn đến gãy xương có khi chỉ với chấn thương nhỏ hoặc không rõ chấn thương vị trí hay gặp ở cột sống lưng, thắt lưng, cổ tay, cổ xương đùi hay khớp háng... gọi là gãy xương do loãng xương.

Sau tuổi 45, phụ nữ chuyển sang giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh là bước ngoặt sinh lý tự nhiên nhưng cũng kéo theo nhiều thay đổi về sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe xương khớp. Trong đó, loãng xương là tình trạng phổ biến và nguy hiểm nhất mà phần lớn chị em phụ nữ chưa thực sự quan tâm và có các biện pháp dự phòng.

Các biện pháp phòng ngừa loãng xương hiệu quả ở phụ nữ tuổi trung niên

1. Dinh dưỡng hợp lý để tạo nền tảng cho hệ xương chắc khỏe

-  Đảm bảo đầy đủ và cân đối 4 nhóm thực phẩm, bổ sung đủ Protein và vi chất, nhất là đạm, magie, kẽm, vitamin K2 để tăng cường cấu trúc xương.

- Ăn thức ăn giàu Canxi: Nên bổ sung 1.000–1.200 mg Canxi mỗi ngày từ các nguồn thực phẩm như sữa, chế phẩm sữa, cá nhỏ ăn cả xương (cá cơm, cá mòi), rau lá xanh đậm, đậu nành, hạnh nhân...

- Bổ sung đủ vitamin D giúp cơ thể hấp thu Canxi hiệu quả bằng ăn các thực phẩm như trứng, gan cá, sữa, tắm nắng vào buổi sáng khoảng 10–15 phút/ngày.
          2. Tập luyện thể chất là chìa khóa để giữ xương dẻo dai

- Chị em nên tăng cường vận động thể lực, chọn các bài tập phù hợp với sức khỏe như: đi bộ nhanh, chạy chậm, yoga, đạp xe ...

- Tập đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần giúp duy trì mật độ xương, tăng thăng bằng và phòng ngừa không để bị  trượt, ngã.

3. Lối sống lành mạnh giúp phòng ngừa bệnh loãng xương

- Chị em cần tránh xa khói thuốc lá, hạn chế rượu bia, cà phê, trà đặc

- Duy trì cân nặng hợp lý, tránh béo phì hoặc giảm cân quá mức

- Phòng tránh trượt, ngã bằng cách đảm bảo sàn nhà không bị trơn, ánh sáng đủ, dùng dép chống trượt, chị em cần đi kiểm tra thị lực định kỳ...

4. Liệu pháp hormone thay thế  theo chỉ định của bác sĩ

 Estrogen có thể được bổ sung để làm chậm mất xương sau mãn kinh, nhưng cần có chỉ định và theo dõi từ bác sĩ chuyên khoa.

5. Khám sức khỏe định kỳ, việc làm đơn giản, ý nghĩa quan trọng

 Chị em, nhất là phụ nữ tuổi trung niên nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, nhất là để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh loãng xương. Nhất là các chị em có dấu hiệu: Đau lưng thường xuyên, giảm chiều cao, gù lưng, đã từng bị trượt, ngã, có tiền sử gia đình bị loãng xương hoặc dùng một số thuốc điều trị bệnh như sử dụng Corticoid dài ngày...

Việc chủ động phòng bệnh từ sớm sẽ giúp phụ nữ tuổi trung niên luôn tự tin, giữ sức khỏe và sắc đẹp, duy trì chất lượng cuộc sống, tiếp tục đóng góp tích cực cho việc giữ gìn hạnh phúc gia đình và góp phần phát triển kinh tế - xã hội./.


Tác giả: Thuý Liễu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết