• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh nhân mắc Tay - Chân - Miệng đến khám, điều trị tăng cao

              Theo hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 10.745 trường hợp mắc Tay - Chân - Miệng (TCM) tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 6.662 trường hợp nhập viện, không có tử vong. Tại Thái Bình, từ đầu năm đến nay, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thái Bình đã tiếp nhận hơn 370 bệnh nhân mắc TCM, cao hơn 180 bệnh nhân so với cùng kỳ năm 2019. Riêng từ đầu tháng 7 đến nay, bệnh nhân mắc TCM đến khám, điều trị tăng cao với gần 250 ca.

            Bác sĩ Vũ Thị Phương, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thái Bình cho biết: Tay - Chân - Miệng là bệnh truyền nhiễm, bệnh lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh có nhiều cấp độ khác nhau. Cha mẹ cần biết cách theo dõi, phát hiện sớm bệnh TCM để kịp thời cho trẻ đi khám và điều trị, tránh biến chứng nặng. Những bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình thời gian qua hầu hết ở mức độ 2a, đó là trẻ có 1 trong các dấu hiệu giật mình dưới 2 lần/30 phút và không ghi nhận lúc khám bệnh. Sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 390C kèm theo nôn, lờ đờ khó ngủ, quấy khóc vô cớ. Thông thường, bệnh sẽ được điều trị khỏi trong khoảng 4 - 5 ngày sau khi nhập viện song nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng như viêm cơ tim, viêm não, phù phổi cấp, nguy cơ tử vong cao.

            Bệnh TCM cần được phát hiện và điều trị sớm, tránh các biến chứng có thể xảy ra. Tuy bệnh này có diễn biến nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể nhận biết sớm trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu điển hình để kịp thời điều trị. Theo đó, các biểu hiện dễ nhận biết của bệnh TCM gồm:

 

             Sốt: Trẻ có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao. Đặc biệt, biểu hiện sốt cao khó có thể hạ sốt là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.

          Tổn thương ở da: Trẻ có biểu hiện dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như: họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối...

            Bác sỹ Phương cũng khuyến cáo: Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên đưa con đi khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn điều trị kịp thời, tránh để diễn biến nặng, nguy hiểm. Trong trường hợp gia đình có trẻ mắc TCM, cần cách ly trẻ mắc bệnh tại nhà. Không đưa trẻ đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10 - 14 ngày đầu của bệnh để tránh lây lan bệnh ra cộng đồng.

Hiện nay đang là thời điểm bệnh TCM ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng chống. Bệnh TCM hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh. Vì vậy, Bộ Y tế cũng đưa ra nhiều khuyến cáo tới người dân nhằm chủ động phòng, chống bệnh TCM như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; thực hiện ăn chín uống sôi; Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa...; Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh; Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất./.

          Vũ Khuyên


Tác giả: Vũ Khuyên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết