Biện pháp phòng ngừa đồng nhiễm HIV với viêm gan B, C
Đồng nhiễm HIV với viêm gan B, C là tình trạng thường gặp, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao nhiễm virus qua đường tiêm (người sử dụng ma túy dạng tiêm), người có nhiều bạn tình...
Đường lây truyền HIV và viêm gan virus HBV/HCV khá giống nhau, đó là qua đường mẹ truyền sang con, đường máu và đường tình dục. Thậm chí chỉ với các hoạt động như xăm mắt - môi, cạo râu, dùng chung kìm cắt móng tay/chân… cũng có nguy cơ lây nhiễm các loại virus nêu trên.
Nam giới có quan hệ tình dục đồng giới thì nguy cơ đồng nhiễm viêm gan virus B, C, giang mai, bệnh lây qua quan hệ tình dục... cao hơn so với các đối tượng khác trong cộng đồng. Bệnh lây qua quan hệ tình dục có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV và làm diễn tiến bệnh nặng hơn, ngược lại nhiễm HIV làm diễn tiến bệnh lây qua quan hệ tình dục xấu hơn, trong đó viêm gan B và viêm gan C thường dẫn đến xơ hóa và xơ gan nhanh.
Theo các nghiên cứu, bệnh nhân HIV dương tính có bằng chứng về nhiễm HBV trước đây đã khỏi, mặc dù không cho thấy có nguy cơ bị bệnh gan tiến triển, nhưng có nguy cơ tái hoạt động của HBV khi số lượng tế bào CD4 giảm.
Đồng nhiễm HIV với viêm gan B, C là tình trạng thường gặp, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao nhiễm virus qua đường tiêm (người sử dụng ma túy dạng tiêm), người có nhiều bạn tình...
Người bệnh nhiễm HIV ảnh hưởng bất lợi đến tất cả các giai đoạn nhiễm HBV/HCV. Sau nhiễm viêm gan virus cấp tính, những người nhiễm HIV có nhiều khả năng tiến triển thành nhiễm viêm gan virus mạn tính hơn so với làm sạch virus. Hơn nữa, đồng nhiễm HIV và HBV sẽ có nguy cơ biến chứng cao và rất khó điều trị.
Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, tỉ lệ ung thư biểu mô tế bào gan cao hơn so với mức trung bình ở những bệnh nhân đồng nhiễm HBV hoặc HCV có HIV dương tính, đang điều trị kháng retrovirus hoạt tính cao (HAART). Vì vậy, những người đồng nhiễm HIV và HBV có nhiều khả năng tử vong hơn do các nguyên nhân liên quan đến gan so với những người nhiễm HBV đơn độc.
Biện pháp phòng ngừa đồng nhiễm HIV/HBV/HCV
Tư vấn phòng lây nhiễm, các biến chứng và khả năng tái nhiễm mới, lối sống, phác đồ cho bệnh nhân HIV, áp dụng các biện pháp dự phòng để tránh lây nhiễm HBV, HCV ra cộng đồng và dự phòng tái nhiễm, đặc biệt tái nhiễm HCV sau khi đã điều trị khỏi.
- Tiêm phòng vắc xin ngừa viêm gan B.
- Xét nghiệm sàng lọc HbsAg, anti HCV cho tất cả bệnh nhân HIV. Có thể xét nghiệm 1 năm/lần nếu xét nghiệm HBsAg, anti HCV âm tính trước đó và bệnh nhân HIV có nguy cơ nhiễm HBV, HCV.
- Khi điều trị viêm gan B, viêm gan C, bệnh nhân HIV cần được theo dõi chức năng gan thường xuyên, đánh giá biến chứng cơ gan, ung thư gan.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Đặc biệt nam giới có quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ đồng nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao hơn so với các đối tượng khác trong cộng đồng.
Bệnh lây qua quan hệ tình dục có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV và làm diễn tiến bệnh nặng hơn, ngược lại nhiễm HIV làm diễn tiến bệnh lây qua quan hệ tình dục xấu hơn, trong đó viêm gan B và viêm gan C thường dẫn đến xơ hóa và xơ gan nhanh. Do đó cần sử dụng bao cao su 100% mỗi lần quan hệ tình dục./.