• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiễm HIV có xu hướng trẻ hoá

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 được triển khai từ 10/11 đến 10/12 với chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030". Chủ đề này nhấn mạnh sự cần thiết trong việc đảm bảo tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, tuổi tác hay điều kiện sống, đều có quyền tiếp cận dịch vụ y tế, góp phần thực hiện mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

Cục Phòng chống HIV/AIDS thông tin cảnh báo: Nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện trong nhóm thanh niên trẻ là học sinh, sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường…Mặc dù nước ta đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, được thế giới ghi nhận, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Nếu như trước đây, dịch HIV chủ yếu lây qua đường máu thì giờ đây HIV lây qua đường tình dục là chủ yếu. Từ nhóm nguy cơ cao như nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm… những năm gần đây, dịch HIV chuyển sang nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và người chuyển giới.

Trong số ca nhiễm HIV mới, có đến gần 70 % tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh và có đến gần 40% số nhiễm mới ở lứa tuổi 15-25, xuất hiện trong nhóm người trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ngoài ra, xu hướng lây nhiễm ở các tỉnh không phải trọng điểm cũng bắt đầu gia tăng, kèm theo các hành vi nguy cơ phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, "chemsex" và quan hệ tình dục tập thể. Điều này không chỉ làm lây nhiễm HIV mà còn lây truyền các bệnh qua đường tình dục, viêm gan B, C…, làm tăng gánh nặng cho ngành y tế.

Trước bối cảnh này, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như đã thực hiện hơn 2 triệu lượt xét nghiệm HIV, quản lý điều trị ARV cho hơn 176.000 bệnh nhân, duy trì hiệu quả điều trị methadone cho hơn 46.500 người.

Các sáng kiến như cấp phát Methadone nhiều ngày và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) được mở rộng, đảm bảo tiếp cận đa dạng các nhóm nguy cơ. Việc chuyển đổi số trong quản lý dịch đã đạt kết quả tích cực với hệ thống HIV-INFO và HMED triển khai trên toàn quốc.

Đánh giá về những thành tựu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam thời gian qua, số nhiễm mới HIV ở Việt Nam đã giảm khoảng 60% kể từ năm 2010. Mức giảm này không những vượt xa mức giảm trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà còn cao hơn nhiều so với mức giảm 39% của thế giới.

Thành tựu này cho thấy tác động tích cực của việc đầu tư cả cho dự phòng và điều trị HIV của Việt Nam trong nhiều năm qua. Đây cũng là kết quả của sự quyết tâm và hành động mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tiếp nhận và nhanh chóng triển khai những sáng kiến mới, như việc áp dụng tất cả các chiến lược xét nghiệm HIV hiện có, mở rộng liệu pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP và chiến lược Không phát hiện = Không lây truyền...

Việt Nam cũng liên tục củng cố khung pháp lý về HIV nhằm bảo vệ tốt hơn những người sống chung với HIV và người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, đảm bảo quyền của người dân Việt Nam được tiếp cận các dịch vụ HIV thiết yếu.

Tuy nhiên, ngay cả với những tiến bộ đạt được liên tục và vững chắc này, vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước như: HIV đang trẻ hóa, sự thiếu hiểu biết về HIV, kỳ thị và phân biệt đối xử với HIV vẫn đang tiếp tục cản trở việc tiếp cận các dịch vụ và điều này không phải chỉ là khó khăn thách thức của riêng Việt Nam.

Tháng hành động năm nay là cơ hội để chúng ta không chỉ tăng cường nhận thức cộng đồng mà còn thúc đẩy các hành động cụ thể, nhằm đảm bảo mọi người được tiếp cận bình đẳng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Bộ Y tế có Công văn số 6678/BYT-UBQG50 ngày 30/10/2024 về việc triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024, kèm theo Kế hoạch Tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 với các mục tiêu:

1. Tăng cường sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách cùng toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

2. Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS: dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện HIV, điều trị sớm HIV/AIDS và đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV hướng tới tăng tiếp cận dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân.

3. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV, tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Bộ Y tế đánh giá cao công tác truyền thông của các cơ quan báo chí trong công tác phòng chống HIV/AIDS và kêu gọi các cơ quan báo chí tiếp tục thực hiện các bài viết, phóng sự nhân văn về câu chuyện của người sống chung với HIV, người trong các nhóm nguy cơ cao, để giúp công chúng hiểu và đồng cảm hơn, từ đó giảm kỳ thị và phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, tuyên truyền các kiến thức phòng, chống HIV/AIDS như tầm quan trọng của xét nghiệm sớm, điều trị ARV, sử dụng PrEP và các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV; giới thiệu các chương trình, dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như cấp phát methadone, xét nghiệm miễn phí, hoặc các điểm cung cấp PrEP để người dân dễ dàng tiếp cận…


Tác giả: Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết