Người trẻ tuổi đừng chủ quan với đột quỵ
Đột quỵ là tình trạng dòng máu cung cấp cho một phần não bộ bị gián đoạn hoặc giảm đi đáng kể, khiến cho các tế bào não không nhận đủ oxy và dưỡng chất cần thiết để hoạt động nên bị tổn thương và chết dần.
Đột quỵ đang ngày càng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Tuy nhiên, chỉ vì chủ quan cho rằng, bản thân còn trẻ, sức khỏe tốt nên không ít người trẻ tuổi đã bỏ qua các biểu hiện của bệnh, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Ghi nhận tại các bệnh viện, số lượng bệnh nhân dưới 40 tuổi bị đột quỵ hiện tăng từ 20-25%. Đáng lo là có đến 70% trường hợp đột quỵ không được cấp cứu kịp thời dẫn đến người bệnh gặp phải các biến chứng nặng nề. Trong đó, chỉ khoảng 33% trường hợp bị đột quỵ được cấp cứu kịp thời trong “giờ vàng”. Không được cấp cứu đột quỵ trong “giờ vàng” cũng khiến người bệnh gặp phải các biến chứng nặng nề như liệt nửa người, mất hoặc giảm khả năng đi lại, kéo dài thời gian phục hồi của người bệnh…Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu nhận biết sớm của bệnh.
Nhiều người trẻ tuổi nghĩ rằng, đột quỵ là bệnh của người già, do đó, khi xuất hiện những dấu hiệu như: Đau đầu, chóng mặt, nói khó, tê bì nửa người thì thường bỏ qua và nghĩ đến các vấn đề sức khỏe khác chứ không phải đột quỵ.
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ người trẻ và người trung niên bị đột quỵ chiếm đến 1/3 trong tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. Đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại nước ta. Do đó, các chuyên gia y tế lưu ý, những người trẻ tuổi, nhất là dưới 40 tuổi không nên chủ quan với các triệu chứng như đau đầu kéo dài, đau đầu dữ dội đột ngột, tình trạng chậm chạp bất thường hoặc bất kỳ dấu hiệu nào của rối loạn thần kinh.
Các bác sỹ lưu ý, các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ có thể xảy ra trước khi khởi phát bệnh khoảng vài giờ hoặc một ngày, một tuần. Những dấu hiệu trước khi đột quỵ hay dấu hiệu cảnh báo đột quỵ có thể xảy ra duy nhất một lần hoặc lặp lại nhiều lần với mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Thời điểm khởi phát bệnh sau khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo thường khó được xác định chính xác. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng bệnh, bệnh nền, sức khỏe tổng thể, thói quen sinh hoạt của người bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, nhận biết trước các dấu hiệu đột quỵ là cơ hội giúp chủ động đưa người bệnh đi khám, cứu sống và bảo toàn tối đa chức năng thần kinh và tính mạng. “Giờ vàng” trong cấp cứu đột quỵ được khuyến cáo từ 3 giờ đến 4,5 giờ đầu khởi phát bệnh. Cấp cứu đột quỵ trong thời gian “vàng” có vai trò quan trọng trong cứu sống người bệnh, giúp hạn chế tối đa các biến chứng. Thời gian cấp cứu càng lâu, hệ thần kinh càng bị tổn hại nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến người bệnh lâu phục hồi, thậm chí không thể phục hồi, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Để bảo vệ sức khỏe, bác sĩ khuyến cáo, mỗi người nên chủ động phòng tránh ngay cả khi chưa xuất hiện các dấu hiệu của bệnh bằng cách tự nâng cao nhận thức về đột quỵ, nhận diện triệu chứng, chịu khó lắng nghe cơ thể. Khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế có đủ điều kiện điều trị đột quỵ nhằm đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, tránh được những biến chứng nguy hiểm và tử vong. Ngoài ra, mỗi người cần có lối sống lành mạnh, không sử dụng thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, hạn chế thức khuya, giảm stress, tăng cường luyện tập thể dục, thể thao…, đi khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần để phát hiện sớm nhất các nguy cơ, dấu hiệu của bệnh./.