• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cách phát hiện và Phòng tránh bệnh vàng da sơ sinh

Vàng da là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Với trẻ sơ sinh đủ tháng, 60% trẻ có hiện tượng vàng da. Tỷ lệ này cao hơn ở trẻ sơ sinh non tháng (80%). Vàng da ở trẻ sơ sinh có 2 loại là vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Vàng da sinh lý chiếm 75% các trường hợp vàng da sơ sinh, trẻ có biểu hiện vàng da nhẹ, không ảnh hưởng đến trẻ nên không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên, với trường hợp vàng da bệnh lý có thể tiến triển nhanh, để lại di chứng nặng nề cho trẻ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cách phòng bệnh vàng da sơ sinh tốt nhất là cho trẻ bú sữa đầy đủ.

Vàng da sơ sinh là do một chất gọi là bilirubin (được tạo ra trong cơ thể) tăng cao trong máu và biểu hiện bằng sự đổi màu vàng của da và mắt. Đây là vấn đề thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh trong 2 tuần đầu đời và là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ phải nhập viện lại sau khi sinh. Khoảng 60% trẻ đủ tháng và 80% trẻ sinh non bị vàng da trong tuần đầu tiên sau sinh.

Trong hầu hết các trường hợp, vàng da thường là nhẹ, thoáng qua, tự giới hạn và khỏi mà không cần điều trị, gọi là vàng da sinh lý. Tuy nhiên, cần phải phân biệt với tình trạng vàng da nặng hơn gọi là vàng da bệnh lý. Việc không xác định và điều trị chậm trễ vàng da bệnh lý có thể dẫn đến bệnh não do bilirubin và các di chứng thần kinh liên quan.

Cách phát hiện bẹnh Vàng da ở trẻ sơ sinh

- Bộc lộ toàn thân trẻ và quan sát ở nơi đủ ánh sáng (tốt nhất là ánh sáng mặt trời)

- Sự thay đổi màu vàng da sẽ dễ nhận thấy đầu tiên ở mặt, sau đó là ngực, bụng, cánh tay, cuối cùng là ở chân.

- Có thể kiểm tra bằng cách ấn một ngón tay lên trán hoặc mũi của trẻ. Nếu trẻ có vàng da thì khi rút ngón tay ra da sẽ có màu vàng.

- Có thể theo dõi ở một số trẻ bằng cách ấn vào các điểm nổi bật của xương ở ngực, hông và đầu gối để kiểm tra xem tình trạng vàng da có trầm trọng hơn hay không.

- Nên kiểm tra nhiều lần trước khi trẻ rời bệnh viện sau khi sinh. Nếu bà mẹ đưa bé về nhà sớm hơn ba ngày sau khi sinh, bà mẹ nên kiểm tra màu da của bé hàng ngày cho đến lần hẹn khám tiếp theo. Nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc điều dưỡng để kiểm tra trong vòng một đến ba ngày sau khi về nhà.

Thông thường, bác sĩ sử dụng máy đo bilirubin qua da (BILI check) để kiểm tra mức độ vàng da. Tuy nhiên thực tế, kết quả qua máy đo này có thể sai số so với kết quả xét nghiệm máu khoảng 3-5mg. Do đó, nếu kết quả đo qua da bất thường nhiều thì bác sĩ sẽ xem xét cho xét nghiệm máu để định lượng bilirubin và xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Phòng bệnh vàng da sơ sinh

- Nếu trẻ bú mẹ: Cho trẻ bú từ 8 – 12 cữ mỗi ngày hoặc theo nhu cầu của trẻ để đảm bảo trẻ không bị mất nước, giúp cơ thể đào thải bilirubin nhanh hơn.

- Với trường hợp trẻ không được bú mẹ (do bệnh lý của mẹ), trẻ có thể phải bú sữa công thức: Cho trẻ bú khoảng 30 – 60 ml sữa công thức mỗi  1,5 - 2 giờ trong tuần đầu tiên.

- Ngoài ra, mẹ nên xét nghiệm nhóm máu trước khi mang thai. Sau khi sinh, bé cũng sẽ được xét nghiệm nhóm máu. Việc làm này sẽ giúp loại trừ (hoặc xác định) nguy cơ bé bị vàng da sơ sinh do không tương thích với nhóm máu của mẹ, từ đó có biện pháp điều trị thích hợp./.

Các bà mẹ hãy học cách chăm sóc trẻ đúng cách ngay từ khi bé mới chào đời để cho trẻ được phát triển toàn diện và khỏe mạnh./.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB