• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vàng da ở trẻ sơ sinh

Vàng da ở trẻ sơ sinh là một tình trạng hay gặp, đặc biệt đối với các trẻ sinh non. Đối với vàng da sinh lý thường sẽ tự khỏi, không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé và không cần can thiệp gì thêm. Tuy nhiên, một số trường hợp do nồng độ bilirubin tăng quá cao sẽ tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.

Có hai thể vàng da ở trẻ sơ sinh:

Vàng da sinh lý: Vàng da sinh lý thường gặp ở 60% trẻ đủ tháng và 80-100% ở trẻ non tháng tùy tuổi thai. Đây là tình trạng vàng da nhẹ, thoáng qua, tự giới hạn và tự khỏi mà không cần điều trị. Gọi là Vàng da sinh lý khi tình trạng vàng da ở trẻ thỏa đủ 5 điều kiệu sau:

 - Thời điểm xuất hiện sau 24 giờ đầu sau sinh.

 - Vàng da đơn thuần, không kèm theo các triệu chứng như thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, li bì, co gồng,…

  - Vàng da chỉ ở mặt, cổ, ngực và vùng bụng trên rốn.

  - Nồng độ Bilirubin trong máu không quá 12mg% nếu bú sữa công thức và không quá 15mg% nếu bú sữa mẹ.

  - Tự khỏi sau 01 tuần đối với trẻ đủ tháng và 02 tuần đối với trẻ non tháng.

Vàng da bệnh lý:

Những dấu hiệu của vàng da nặng: Cần cho trẻ đi khám ngay ở cơ sở y tế nếu trẻ có bất kì triệu chứng nào sau đây:

   - Vàng da xuất hiện từ đầu gối trở xuống, vàng sậm hơn (chuyển từ vàng chanh sang vàng cam) hoặc mắt vàng

   - Vàng da trước 24 giờ tuổi

   - Trẻ có sốt

   - Trẻ bú kém

   - Trẻ ngủ nhiều hơn bình thường

   - Trẻ khó đánh thức

   - Trẻ quấy khóc nhiều, khó dỗ dành

   - Trẻ ưỡn cổ hoặc cơ thể về phía sau (co gồng)

Nguyên nhân gây vàng da ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh bị vàng da có thể do một trong các nguyên nhân sau:

1. Tăng sản xuất bilirubin

Bilirubin dư thừa (tăng bilirubin trong máu) là nguyên nhân chính gây ra vàng da. Bilirubin là sắc tố có màu vàng cam, được hình thành trong quá trình phá vỡ hồng cầu bình thường trong máu. Các nguyên nhân gây tăng sản xuất bilirubin trong máu trẻ bao gồm:

  • Bất đồng nhóm máu mẹ con: Nhóm máu mẹ và con bất tương hợp nên hệ thống miễn dịch của mẹ có thể phá hủy hồng cầu của con. Thường gặp là bất đồng nhóm mẹ- con máu hệ ABO (mẹ có nhóm máu O sinh con có nhóm máu A hoặc B) và bất đồng nhóm máu mẹ - con hệ Rh (mẹ có nhóm máu Rh âm, sinh con có nhóm máu Rh dương).
  • Bệnh lý tại hồng cầu làm cho hồng cầu dễ vỡ: thiếu men G6PD, bệnh lý màng hồng cầu, Thalassemia.
  • Vết bầm máu to ở trẻ khi sinh.

2. Giảm chức năng chuyển hóa bilirubin

Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do trẻ bị một trong các bệnh lý: hội chứng Crigler-Naajar, hội chứng Gilbert, bệnh lý chuyển hóa di truyền (galactosemia, suy giáp trạng bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa tyrosin, methionin, thiếu α1 antitrypsin…), trẻ sinh non, thiếu hụt hooc-môn, mẹ bị chứng đái tháo đường thai kỳ.

3. Tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột (tăng chu trình ruột gan)

Những trẻ sinh ra bị hẹp môn vị, tắc ruột non, phình đại tràng bẩm sinh, tắc ruột phân su, sử dụng thuốc gây liệt ruột… đều có nguy cơ tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột, dẫn tới vàng da.

4. Vàng da sữa mẹ

Một số trẻ trong vài ngày đầu bú không đủ do trẻ gặp khó khăn khi bú mẹ hoặc mẹ chưa tiết đủ sữa. Tình trạng này khiến trẻ mất nước, thiếu năng lượng và tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột gây vàng da.

Để khắc phục, mẹ nên cho trẻ bú thường xuyên hơn và theo dõi cân nặng trẻ. Không nhất thiết phải ngưng bú mẹ nếu trẻ vẫn bú tốt, tăng cân và khỏe mạnh.

Các phương pháp điều trị vàng da sơ sinh

Theo các nhà chuyên môn, vàng da nhẹ thường sẽ tự hết khi gan của trẻ bắt đầu trưởng thành. Cho trẻ bú thường xuyên (từ 8 – 12 lần/ngày) sẽ giúp trẻ đào thải bilirubin qua cơ thể.

Tình trạng vàng da nặng hơn có thể cần đến các phương pháp điều trị khác, bao gồm:

  • Chiếu đèn: là phương pháp điều trị vàng da sơ sinh hiệu quả nhất, khá an toàn, đơn giản và kinh tế.
  • Thay máu: được chỉ định khi trẻ có triệu chứng đe dọa nhiễm độc thần kinh do bilirubin trong máu tăng cao.

Để giúp cho con trẻ có một cơ thể khỏe mạnh ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ, các bà mẹ hãy đi tiêm phòng đầy đủ, khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, lành mạnh./.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết