Đặt sức khỏe người bệnh đái tháo đường làm trọng tâm
Theo Hiệp hội Phòng chống đái tháo đường thế giới (IDF), ước tính hiện nay trên thế giới có khoảng 537 triệu người trưởng thành ở độ tuổi 20-79 mắc bệnh đái tháo đường, tương ứng 10,5% dân số, trong đó có hơn 6,7 triệu người tử vong do các nguyên nhân liên quan đến bệnh đái tháo đường, có 240 triệu người mắc bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán, nghĩa là khoảng một nửa người mắc đái tháo đường mà không biết tình trạng bệnh lý của mình và gần 90% người mắc bệnh không được chẩn đoán nói trên là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Những số liệu điều tra trên phạm vi quốc gia trong thời gian qua cho thấy tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh đái tháo đường cũng có sự gia tăng theo xu hướng chung của thế giới. Kết quả khảo sát trên toàn quốc năm 2020 cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam là 7,3%; Tỷ lệ tiền đái tháo đường là 17,8%. Hiện nay, Việt Nam có hơn 60% người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán, hơn một nửa người trưởng thành tại nước ta chưa bao giờ được làm xét nghiệm đường huyết để phát hiện bệnh đái tháo đường.
Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính, không lây nhiễm. Khi bệnh không kiểm soát được và theo thời gian sẽ gây tổn thương nghiêm trọng nhiều bộ phận của cơ thể, đặc biệt là dây thần kinh, mạch máu và gây nhiều biến chứng nguy hiểm: suy thận, suy tim, tổn thương võng mạc, nhiễm toan ceton, đột quỵ, hoại tử bàn chân,... Tuy nhiên, có thể giảm tác động của bệnh đái tháo đường bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chẩn đoán sớm, chăm sóc, điều trị thích hợp.
Với chủ đề Ngày Đái tháo đường thế giới giai đoạn 2024-2026 "Đặt sức khỏe người bệnh đái tháo đường làm trọng tâm" để lan tỏa đến cộng đồng việc thay đổi lối sống để người bệnh đái tháo đường cuộc sống tốt hơn. Xét nghiệm máu là cách duy nhất để phát hiện bệnh đái tháo đường./.