Bệnh Sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên, với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ…, bệnh lây qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện.
Nguyên nhân gây bệnh sởi
Virus gây ra bệnh sởi là một loại virus ARN thuộc chi Morbilivirus nằm trong họ Paramyxoviridae, virus hình cầu, đường kính 120 – 250 nm, sức chịu đựng yếu, dễ bị tiêu diệt với các thuốc khử trùng thông thường, ánh sáng mặt trời và sức nóng…
Khi virus vào trong cơ thể bệnh nhân sẽ kích thích sinh kháng thể. Kháng thể xuất hiện từ ngày thứ 2 – 3 sau khi mọc ban và tồn tại lâu dài. Miễn dịch trong sởi là miễn dịch bền vững.
Đối tượng dễ mắc bệnh sởi thường là trẻ nhỏ và người có miễn dịch kém. Bệnh sởi dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… và có thể gây tử vong.
Đường lây truyền của bệnh sởi
Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của người bệnh bắn ra không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện… hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của người bệnh.
Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người như nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư… chính vì vậy bệnh dễ gây thành dịch. Giai đoạn người bệnh có khả năng lây bệnh cho người khác là từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau giai đoạn phát ban của người bệnh.
Những người có nguy cơ mắc bệnh sởi
Bất kể ai từ người lớn đến trẻ nhỏ chưa từng tiêm phòng sởi hoặc chưa bị sởi, có tiếp xúc với người bị sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, trong đó trẻ dưới 5 tuổi là nhóm có nguy cơ mắc sởi cao nhất.
Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thanh quản, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, bùng phát lao tiềm ẩn, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng./.