Biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng
Theo Cục Phòng bệnh – Bộ Y tế, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh. Bên cạnh đó, rượu bia là nguyên nhân gây ra khoảng 20% số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông mà 80% là lỗi do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia. Rượu, bia cũng là nguyên nhân của 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam.
Việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam những năm gần đây vẫn gia tăng ở mức báo động. Năm 2024, Việt Nam xếp thứ 2 trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Bình quân 1 người Việt Nam (trên 15 tuổi) uống khoảng 170 lít bia/năm. Việc sử dụng rượu, bia quá mức đã và đang gây nên gánh nặng đối với ngành y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội hiện nay. Sử dụng rượu bia cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng bất bình đẳng giới và bất bình đẳng kinh tế xã hội, thách thức các nỗ lực giảm nghèo bền vững của đất nước.
Ngày 14 tháng 6 năm 2019, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia số 44/2019/QH14, hiệu lực thi hành từ 01/01/2020. Luật có 7 chương, 36 điều qui định các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Điều 24 của Luật PCTH rượu bia qui định Biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng như sau:
1. Tuyên truyền, vận động các gia đình, thành viên thuộc tổ chức, cộng đồng tham gia tuyên truyền và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
2. Lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia vào các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa và hoạt động khác tại cộng đồng.
3. Vận động, khuyến khích quy định trong hương ước, quy ước việc hạn chế hoặc không uống rượu, bia tại đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư.
4. Vận động cá nhân, tổ chức không sử dụng sản phẩm rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.
5. Phát hiện, phản ánh người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia để cảnh báo, phòng ngừa, xử lý hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Vì sức khỏe và hạnh phúc của mọi người, các cá nhân, tổ chức, gia đình hãy thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia./.