Bộ Y tế ban hành tài liệu chuyên môn “ Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi”
Ngày 26/03/2025, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1019/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu chuyên môn hướng dẫn chẩn đoán về điều trị bệnh sởi.
Tài liệu do Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia làm chủ đạo biên soạn, nêu rõ: Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan mạnh do virus sởi gây ra, bệnh có thể gây các biến chứng nặng dẫn đến tử vong, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, người lớn chưa tiêm hoặc tiêm phòng không đầy đủ cũng có nguy cơ mắc.
So sánh với tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sởi năm 2014, tài liệu hướng dẫn năm 2025 tập trung vào xét nghiệm chẩn đoán, có bổ sung thêm nội dung xét nghiệm chẩn đoán sởi là xét nghiệm IgM từ ngày thứ 3 sau phát ban: “Nếu xét nghiệm IgM sởi âm tính mà triệu chứng lâm sàng vẫn nghi ngờ sởi thì có thể làm lại lần 2 sau 72 giờ, hoặc chỉ định PCR Sởi qua bệnh phẩm dịch tỵ hầu”, hay “Phân lập virus từ máu và dịch mũi họng trong giai đoạn sớm của bệnh”. Chẩn đoán bệnh sởi thường dựa vào xét nghiệm kháng thể IgM, trong đó 50-70% trường hợp dương tính ngay từ ngày đầu phát ban và đạt 100% sau 3 ngày phát ban.
Sởi lây qua đường không khí, giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hô hấp. Các triệu chứng điển hình bao gồm sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc hoặc tiêu chảy, thậm chí tử vong.
Diễn biến lâm sàng thể điển hình của sởi thể hiện qua 4 giai đoạn. Giai đoạn ủ bệnh diễn ra từ 7 đến 21 ngày (trung bình 10 ngày), triệu chứng xuất hiện sau khi phơi nhiễm 10-14 ngày. Ngoài ra còn bổ sung yếu tố nguy cơ bệnh diễn tiến nặng bao gồm: Trẻ < 12 tháng; Người chưa tiêm phòng vắc xin hoặc tiêm không đầy đủ; Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải; Bệnh nền nặng; Suy dinh dưỡng nặng; Thiếu vitamin A và phụ nữ mang thai.
Phần chẩn đoán ca bệnh sởi có bổ sung thêm ca bệnh nghi ngờ mắc sởi khi có các dấu hiệu như: Tiền sử tiếp xúc với người bệnh sởi trong vòng 7-21 ngày hoặc sống trong vùng dịch sởi lưu hành. Triệu chứng lâm sàng nghi ngờ sởi (sốt và viêm long đường hô hấp trên). Thêm vào đó là chẩn đoán ca bệnh sởi trên lâm sàng khi người bệnh có các triệu chứng như: Sốt, ho, chảy nước mũi hoặc viêm kết mạc, có hạt Koplik hoặc phát ban dạng sởi.
Trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cập nhật bệnh sởi lần này có điểm mới nữa đó là phân cấp chi tiết cho các đơn vị, tất cả các cơ sở y tế theo các cấp chuyên môn đều có thể tham gia việc thu dung, điều trị và chuyển tuyến.
Theo đó, Trạm Y tế xã và phòng khám tư nhân sẽ khám và điều trị ngoại trú người bệnh sởi không biến chứng, chuyển tuyến đối với bệnh sởi có biến chứng hoặc có suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh nền nặng.
Bệnh viện huyện, bệnh viện tư nhân sẽ khám và điều trị người bệnh sởi không có biến chứng và bệnh sởi có biến chứng; Chuyển cấp điều trị đối với người bệnh sởi có biến chứng viêm phổi cần thở oxy, viêm não, nhiễm khuẩn huyết hoặc có suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh nền nặng.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Đa khoa khu vực, Bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm khám và điều trị người bệnh sởi không có biến chứng và bệnh sởi có biến chứng; Hội chẩn, hướng dẫn tuyến trước điều trị các trường hợp nặng hoặc khó điều trị.
Trong cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi còn bổ sung vấn đề chăm sóc điều dưỡng quản lý người bệnh chú ý cách ly dài đối với người suy giảm miễn dịch, phòng bệnh bằng vaccine, Immunoglobulin dự phòng sau phơi nhiễm./.