Chăm sóc và phòng ngừa bệnh viêm họng, phế quản
Viêm họng, phế quản là bệnh hay gặp ở trẻ em vào mùa Đông với các biểu hiện đau họng, ho, thở khò khè, có thể kèm theo sốt, chán ăn, mệt mỏi...Khi trẻ có biểu hiện viêm họng, phế quản, cha mẹ cần đưa tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám. Trẻ được dùng thuốc theo đơn của bác sĩ bao gồm chủ yếu là các thuốc giảm ho, long đờm, bù dịch theo hướng dẫn, ngoài ra chú ý cho trẻ ăn uống nhiều bữa nhỏ và tái khám theo hẹn.
Tại nhà, ngoài việc dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, phụ huynh cần chú ý đảm bảo chức năng hô hấp và hạ sốt cho trẻ khi nhiệt độ từ 38,5 độ C trở lên theo chỉ định của bác sĩ.
Cần nới rộng quần áo và cho trẻ nằm phòng thoáng, yên tĩnh. Vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
Đối với chế độ dinh dưỡng: Với trẻ còn bú mẹ thì nên tăng cường các bữa bú. Trường hợp những trẻ đã ăn dặm, thức ăn nên được chế biến loãng hơn, uống thêm nước theo nhu cầu, có thể là nước lọc, nước ép hoa quả, nước cháo... để làm loãng dịch nhầy đờm đường thở.
Cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Việc làm thông thoáng đường thở trước khi ăn là cần thiết. Nên sử dụng nước muối sinh lý, sau khi nhỏ muối sinh lý, đợi một lúc để nước mũi loãng ra rồi dùng dụng cụ hút sạch mũi.
Phòng ngừa viêm họng, phế quản
Phòng ngừa bệnh viêm họng, phế quản bằng cách, người chăm sóc trẻ cần rửa tay của mình và tay của trẻ thường xuyên bằng xà phòng và nước, hoặc sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn. Dạy trẻ che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Cho trẻ đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
Không dùng chung ly, cốc hoặc đồ dùng cá nhân, làm sạch những thứ được chạm vào nhiều, chẳng hạn như bàn ghế, đồ chơi, bồn rửa, vòi nước, tay nắm cửa, điện thoại, điều khiển từ xa và công tắc đèn…
Cần chú ý cho trẻ tránh xa những người bị bệnh đường hô hấp. Đảm bảo cho trẻ được tiêm tất cả các loại vaccine được khuyến nghị, bao gồm cả vaccine cúm./.