• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần chăm sóc người cao tuổi đúng cách

Theo Liên hợp quốc, người cao tuổi là những người được tính từ 60 tuổi trở lên. Trong y học, người cao tuổi được phân thành các nhóm: từ 60 đến 75 tuổi được gọi là tuổi bắt đầu già, trên 75 đến 90 tuổi là người già và trên 90 tuổi là người già sống lâu.

Người cao tuổi dễ bị nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh truyền nhiễm

Ở người cao tuổi, hệ miễn dịch càng suy yếu, người cao tuổi thường khó thích ứng hơn do hệ miễn dịch đã bị suy giảm. Lão hoá ở người cao tuổi liên quan chủ yếu đến sự suy giảm chức năng của các cơ quan trong cơ thể, lúc này, các cụ rất dễ mắc phải nhiều bệnh và bệnh mạn tính cũng thường hay bị tái phát, nhất là các bệnh xương khớp, tim mạch, hô hấp (Covid-19, Cúm...).

Một số biểu hiện hay gặp ở người cao tuổi như:

1. Cảm thấy cô đơn và mong được quan tâm chăm sóc nhiều hơn

Con cháu thường bận rộn với việc học tập, lao động và nhiều công việc khác trong cuộc sống. Điều này làm cho người cao tuổi cảm thấy mình bị lãng quên, bị bỏ rơi. Họ rất muốn tuổi già của mình vui vẻ bên con cháu, muốn được người khác xem mình không là người vô dụng. Họ rất muốn được nhiều người quan tâm, lo lắng cho mình và ngược lại. Họ sợ sự cô đơn, sợ phải ở nhà một mình. Do đó, nên cư xử nhẹ nhàng, đừng để các cụ cảm thấy họ bị hắt hủi, bỏ rơi. Người cao tuổi càng được quan tâm, chăm sóc thì tâm lý càng tốt và tuổi thọ càng cao hơn.

2. Dễ bị tủi thân

Đa số người cao tuổi nếu còn sức khỏe vẫn còn có thể giúp con cháu một vài việc vặt trong nhà, tự đi lại phục vụ mình, hoặc có thể tham gia được các sinh hoạt giải trí, cộng đồng. Nhưng cũng có một số người cao tuổi do tuổi tác đã cao, sức khỏe giảm sút, không còn khả năng lao động, ốm đau, bệnh tật nên sinh hoạt kể cả sinh hoạt cá nhân phần lớn phụ thuộc vào con cháu,... nên chỉ một thái độ hay một câu nói thiếu tế nhị có thể làm cho họ tự ái, tủi thân cho rằng mình già rồi nên bị con cháu coi thường. Nhiều người cảm thấy lo lắng, tức giận, áp lực... vì cho rằng làm phiền con cháu.

3. Nói nhiều, dễ bị trầm cảm

Vì muốn truyền đạt kinh nghiệm sống cho con cháu, muốn con cháu sống theo khuôn phép đạo đức thế hệ mình nên phần lớn người cao tuổi nói nhiều, dạy dỗ, bắt lỗi con cháu và có thể có những lời nói, hành vi làm cho người khác khó chịu. Với một bộ phận người cao tuổi bảo thủ và khó thích ứng với sự thay đổi, cộng với sự giảm sút của sức khỏe, khả năng thực hiện công việc hạn chế, nếu thời trẻ có những ước mơ không thực hiện được, hoặc không thỏa đáng, không hài lòng... có thể xuất hiện triệu chứng của bệnh trầm cảm.

4. Tính tình dễ nóng nảy

Người cao tuổi thường khá nóng tính và dễ tự ái, dễ tự ti, hay suy nghĩ tiêu cực. Vị trí xã hội thay đổi, từ người trụ cột của gia đình, trở thành người phải nhờ cậy con cháu chăm sóc nên rất dễ bị tác động và khả năng kiềm chế cũng không cao, dễ sinh sự với những điều nhỏ nhặt. Những người cao tuổi sau khi nghỉ hưu nếu không bố trí sinh hoạt, thể dục, vận động phù hợp rất hay phiền muộn, mất ngủ, thường xuyên bị stress và cũng dễ mắc các bệnh lý khác...

5. Dễ bị trượt, ngã

Do hệ thống gân xương yếu, chức năng thăng bằng, phản xạ của thần kinh giảm, nên người cao tuổi dễ bị ngã, hậu quả thường nghiêm trọng hơn nhiều so với người trẻ, gây ra các chấn thương lớn cho xương và da, các bệnh kèm theo nên khó hồi phục. Ngoài ra, người cao tuổi thường mắc bệnh loãng xương kèm theo những thay đổi liên quan đến tuổi như phản xạ tự vệ chậm, do vậy khi ngã, kể cả khi ngã rất bình thường cũng trở lên nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân chính gây tàn phế ở người cao tuổi.

Gia đình, con cháu, người chăm sóc cần hiểu rõ tâm lý người cao tuổi và có kiến thức để chăm sóc ông, bà, cha, mẹ đúng cách, cũng như hỗ trợ để họ được khám sức khỏe định kỳ, tái khám đúng lịch, có sức khỏe tốt nhất, tăng cường tuổi thọ, sống vui, khỏe, có ích cùng gia đình, cộng đồng.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết