Phòng bệnh tim mạch
Bệnh lý tim mạch được ví như “kẻ giết người thầm lặng”, có thể cướp đi sinh mạng người bệnh nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 20 triệu người trên thế giới tử vong vì các bệnh liên quan đến tim mạch. Tại Việt Nam, hiện nay có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm trên 31% trong tổng số ca tử vong của cả nước. Theo thống kê của Viện Tim mạch quốc gia, cứ 3-4 người trưởng thành sẽ có 1 người bị tăng huyết áp. Trong đó, tăng huyết áp được biết đến là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh động mạch vành và đột quỵ. Tỷ lệ nhồi máu cơ tim và đột quỵ ở người bệnh có tăng huyết áp gấp 3 - 4 lần so với người khỏe mạnh. Tuy nhiên, bệnh lý tim mạch có thể phòng ngừa được thông qua lối sống lành mạnh và kiểm soát các yếu tố nguy cơ.
1. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch là:
- Hút thuốc lá: Trong khói thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học, hàng trăm chất độc hại và 70 chất gây ung thư. Các hóa chất có trong khói thuốc lá làm tổn thương mạch máu, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
- Chế độ ăn không lành mạnh như ăn nhiều chất béo, muối, đường dẫn đến béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường và gáy nên các biến chứng về tim mạch.
- Việc ít hoạt động thể lực, ít vận động làm suy yếu tim, tăng cholesterol xấu.
- Những người phải suy nghĩ, căng thẳng, mất ngủ kéo dài...là nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim...
- Yếu tố di truyền do gia đình có người mắc bệnh huyết áp, tim mạch...s
2. Dấu hiệu chính của các bệnh lý tim mạch gồm:
2.1.Khó thở
Khó thở có thể gặp khi gắng sức, nặng hơn có thể gặp cả khi nghỉ ngơi. Đôi khi, người bệnh không thể nằm xuống mà phải ngồi để thở, dấu hiệu này thể hiện tình trạng suy tim khi chức năng co bóp của tim không đảm bảo tống máu đi nuôi cơ thể.
2.2. Đau ngực
Đau ngực do bệnh tim là biểu hiện của tình trạng cơ tim bị thiếu máu. Người bệnh có cảm giác bị đè nặng tức ở ngực trái, ở trên rốn… Có thể biểu hiện với cơn đau thắt ở ngực lan lên cằm, lên vai hay ra sau lưng. Các biểu hiện đau này thường có tính chu kỳ, xảy ra khi người bệnh gắng sức hay bị stress, hết khi nghỉ ngơi. Những cơn đau thắt ngực có thể kéo dài khoảng 5-10 phút và có xu hướng lặp lại.
2.3. Thường xuyên mệt mỏi
Người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức sau các hoạt động sinh hoạt thường ngày, thậm chí ngay sau khi ngủ dậy thì có thể đây là dấu hiệu của chứng thiếu máu đến não, tim và phổi.
4. Ho dai dẳng
Người bệnh bị suy tim làm cho máu không được bơm đi nuôi cơ thể, đồng thời máu bị ứ lại ở phổi. Dịch, máu thoát mạch vào mô kẽ và vào các phế nang làm cho người bệnh bị ho thành cơn kéo dài và dai dẳng. Ho nhiều hơn khi người bệnh nằm xuống. Ngoài ra, người bệnh tim cũng có thể bị ho do tác dụng phụ của thuốc điều trị suy tim thuộc nhóm thuốc ức chế men chuyển.
3. Một số biện pháp phòng bệnh tim mạch như sau:
1. Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý: Ăn đầy đủ, cân đối 4 nhóm thực phẩm: tinh bột, đạm, dầu mỡ, vitamin. Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt; Hạn chế đồ chiên rán, mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn; Ăn giảm muối dưới 5g/ngày để phòng bệnh tăng huyết áp.
2.Tăng cường vận động thể lực, tập thể dục đều đặn: Tăng cường vận động mỗi ngày, tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày phù hợp như: đi bộ, đạp xe, tập Yoga, bơi lội, chơi thể thao (cầu lông, bóng bàn,...).
3. Duy trì cân nặng hợp lý, duy trì chỉ số BMI ở mức 18.5–24.9.
4. Không hút hoặc bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia vì thuốc lá, rượu bia làm tăng nguy cơ đột quỵ. Rượu bia chỉ nên dùng ít (ở nam dưới 2 đơn vị/ngày, nữ dưới 1đơn vị/ngày).
5.Khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/ lần để theo dõi huyết áp, đường huyết, mỡ máu và các chỉ số cơ bản, phát hiện sớm bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, điều trị kịp thời để ngăn chặn biến chứng về tim mạch.
6.Duy trì sinh hoạt điều độ, giảm căng thẳng, ngủ đủ 7–8 giờ/ngày, thư giãn bằng thiền, tập yoga, nghe nhạc.
7.Một số dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch cần đi khám ngay như: Da xanh tái, môi nhợt; Đau thắt ngực, khó thở khi gắng sức; Phù chân, mệt mỏi kéo dài. Chóng mặt, ngất xỉu không rõ nguyên nhân....
Mỗi người hãy xây dựng lối sống khoa học để bảo vệ trái tim và sức khỏe.