• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng bệnh Tăng huyết áp

Theo thống kê của WHO, hiện có khoảng 1,28 tỷ người trưởng thành trên toàn thế giới đang sống chung với bệnh tăng huyết áp, trong đó gần một nửa không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tăng huyết áp không chỉ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm mà còn là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến nhiều bệnh lý tim mạch và tổn thương cơ quan đích như não, thận, mắt. Đặc biệt đáng lo ngại là tỷ lệ người mắc tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa và gia tăng nhanh chóng ở các nước có thu nhập trung bình và thấp, trong đó có Việt Nam. Lối sống ít vận động, ăn mặn, sử dụng nhiều thực phẩm chế biến sẵn, hút thuốc lá, uống rượu bia quá mức và căng thẳng kéo dài là những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

Đo huyết áp khi thấy Huyết áp tâm thu ≥140 mmHg (milimet thủy ngân); Huyết áp tâm trương≥ 90 mmHg thì gọi là Tăng huyết áp (THA).

Theo điều tra của Bộ Y tế, tỷ lệ người Việt Nam từ 18 tuổi trở lên mắc tăng huyết áp chiếm khoảng 30%, tức là cứ 3 người trưởng thành thì có 1 người bị bệnh. Điều đáng nói là hơn 50% người mắc không biết mình bị tăng huyết áp, vì bệnh diễn tiến âm thầm, ít có triệu chứng rõ rệt trong giai đoạn đầu. Nhiều người chỉ phát hiện khi đã có biến chứng như đột quỵ, suy thận, suy tim.

Bên cạnh đó, một bộ phận người bệnh dù đã được chẩn đoán nhưng lại không điều trị thường xuyên, bỏ thuốc giữa chừng hoặc tự ý điều chỉnh liều dẫn đến hiệu quả kiểm soát huyết áp kém.

Thông điệp ngày Thế giới phòng, chống Tăng huyết áp 2025 với chủ đề: “Biết rõ số đo huyết áp – Bảo vệ trái tim bạn” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đo huyết áp định kỳ, sớm phát hiện và kiểm soát tăng huyết áp. Đây là thông điệp thiết thực trong bối cảnh bệnh tim mạch vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại nhiều quốc gia, trong đó tăng huyết áp là nguyên nhân phổ biến và có thể phòng ngừa được.

Để phòng tránh bệnh Tăng huyết áp hiệu quả, người dân cần thực hiện:

1. Đo huyết áp định kỳ: Người từ 18 tuổi trở lên nên kiểm tra huyết áp ít nhất mỗi năm một lần, đặc biệt là những người có nguy cơ cao (thừa cân, béo phì, tiền sử gia đình bị tăng huyết áp, bệnh tim mạch...). Đo huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản nhất, hiệu quả để phát hiện sớm THA.

2. Duy trì lối sống lành mạnh và tuân thủ điều trị

Đối với người đã được chẩn đoán Tăng huyết áp cần tuân thủ chế độ điều trị của bác sỹ, song song với việc uống thuốc hàng ngày, người mắc tăng huyết áp cần chú ý chế độ ăn uống, sinh hoạt như:  giảm béo, năng tập thể dục thể thao, ăn giảm muối, không hút thuốc lá, không uống rượu bia, tránh thức khuya và làm việc quá căng thẳng.Việc tái khám định kỳ là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa biến chứng.

 Tăng huyết áp hoàn toàn có thể được phát hiện sớm, kiểm soát và điều trị hiệu quả nếu mỗi người chủ động quan tâm đến sức khỏe của mình. Hãy bắt đầu bằng một hành động đơn giản nhưng có ý nghĩa to lớn: kiểm tra huyết áp của bạn và người thân hôm nay – để bảo vệ trái tim./.


Tác giả: BSCKII Lưu Thị Ánh Tuyết - PGĐ TT KSBT
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB