Chi phí y tế và thiệt hại kinh tế do thuốc lá gây ra gấp 5 lần thuế thu được
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, tại Việt Nam, có khoảng 104.300 ca tử vong do hút thuốc chủ động và thụ động. Ước tính, chi phí y tế và thiệt hại kinh tế do thuốc lá lên tới 108.000 tỷ đồng/năm, tương đương 1,14% GDP – cao gấp 5 lần thu ngân sách từ thuế thuốc lá. Hút thuốc không chỉ ảnh hưởng sức khỏe cá nhân mà còn gây suy giảm chất lượng nguồn lao động – 45 triệu người Việt Nam có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Đối với trẻ em, thuốc lá có thể gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm, nicotine trong thuốc lá có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ em. Chi tiêu cho thuốc lá chiếm gần 2% chi tiêu hộ gia đình ở Việt Nam.
Tiêu dùng thuốc lá làm lấn át chi tiêu cho giáo dục, nhất là ở các hộ có thu nhập thấp, ảnh hưởng đến quyền được học tập của trẻ em.
Hiện tại, thuế thuốc lá ở Việt Nam chỉ chiếm 36–38,8% giá bán lẻ, trong khi Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị tối thiểu 75%. So với các nước trong khu vực, Việt Nam có mức thuế thấp nhất Đông Nam Á: Thái Lan (78,6%), Philippines (71,3%), Singapore (67,1%).
Hiện trên thị trường có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao 20 điếu, có nhiều nhãn hiệu chỉ có mức giá 7.000 đồng đến 8.000 đồng/bao 20 điếu. Với mức giá thuốc lá bán lẻ thấp như vậy, thuốc lá rất dễ tiếp cận với người có thu nhập thấp và người mới hút, kể cả trẻ em và trẻ vị thành niên.
Trẻ em cần một môi trường không khói thuốc, đó là trách nhiệm của toàn xã hội
Trong bối cảnh Quốc hội đang xem xét sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, tọa đàm kêu gọi Quốc hội lựa chọn phương án thuế mạnh mẽ và sớm hơn. Đó là bên cạnh mức thuế tỷ lệ 75%, bổ sung một khoản thuế tuyệt đối là 5,000đ/bao thuốc vào năm 2026 và tiếp đó tăng theo lộ trình đến 15,000 đồng/bao đến năm 2030.
Đây là phương án được Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế và các tổ chức xã hội khuyến nghị và đã được chứng minh là có thể giảm đáng kể tiêu dùng thuốc lá, đặc biệt ở giới trẻ là nhóm nhạy cảm với biến động giá.
Tăng thuế thuốc lá là chính sách quan trọng để bảo vệ trẻ em một cách toàn diện. Nó vừa ngăn chặn trẻ em bắt đầu hút thuốc, giảm tiêu dùng thuốc lá do đó trẻ em cũng được bảo vệ khỏi phơi nhiễm với khói thuốc, chi tiêu gia đình cũng sẽ được đầu tư nhiều hơn cho trẻ em.
Ngân sách thu được từ việc tăng thuế với sản phẩm thuốc lá giúp đảm bảo chi trả cho các chương trình phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Trong bối cảnh nước ta đang cần thêm nguồn lực để đạt các mục tiêu phát triển bền vững, thì việc điều chỉnh tăng thuế thuốc lá là một giải pháp mang lại lợi ích kép: vừa tăng thu, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Hãy tăng thuế thuốc lá ngay và mạnh mẽ để xây dựng nguồn nhân lực có đủ sức khỏe về thể chất, tinh thần, trí tuệ và đạo đức để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao./.