Công văn số 1943/UBND-KGVX của UBND tỉnh Thái Bình: Triển khai thực hiện Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam
Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình nhận được Thông báo số 107/TB-VPCP ngày 14/5/2021 của Văn phòng Chính Phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủVũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo trực tuyến với các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Ngày 17/5/2021, UBND tỉnh Thái Bình có Công văn số 1943/UBND-KGVX về việc triển khai thực hiện Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình có ý kiến chỉ đạo như sau.
Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Giao thông Vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Quản lý các Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh, Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, UBND các huyện, thành phố, các Sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức triển khai, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Văn bản nêu trên.
Đối với những nội dung vượt quá thẩm quyền, các đơn vị tham mưu, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 18/5/2021.
Trước đó, ngày 14/5/2021, Văn phòng Chính Phủ có Thông báo số 107/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo trực tuyến với các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang với những nội dung chính như sau:
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt chú ý:
1. Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh khẩn trương chỉ đạo:
a) Đối với các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp:
- Thực hiện nghiêm ngặt 5K đối với cá nhân, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, cập nhập lên bản đồ an toàn COVID-19, nếu không an toàn dừng hoạt động để chấn chỉnh, an toàn thì tiếp tục hoạt động.
- Khi đã phát hiện trường hợp F0, khẩn trương, chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức cách ly, giãn cách theo đúng chỉ đạo (giãn cách, cách ly phân lập từng phân xưởng, từng tổ sản xuất; đeo khẩu trang tuyệt đối; phân từng cung giờ để cung cấp thức ăn, đồ dùng sinh hoạt,...), hạn chế đến mức tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa các cá nhân.
- Toàn bộ cán bộ, nhân viên, người lao động trong các khu công nghiệp phải thực hiện khai báo y tế, lịch trình đi lại theo quy định.
- Chủ doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp có trách nhiệm thông báo danh sách người lao động của đơn vị mình với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có khu công nghiệp để thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người lao động cư trú. Trong đó phân loại nhân lực theo mức độ, có thể cho nghỉ hoặc thay thế; ưu tiên những đối tượng nếu nghỉ thì không thể thay thế; Cơ quan y tế hai tỉnh thống nhất quy định cụ thể việc xét nghiệm các đối tượng này với tần suất và công nghệ thích hợp để bảo đảm an toàn.
b) Đối với Chính quyền địa phương nơi có khu công nghiệp, doanh nghiệp đóng trú trên địa bàn, cần quyết liệt rà lại, chỉ đạo:
- Thực hiện nghiêm 5k, đặc biệt là đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách. Xử lý nghiêm người không đeo khẩu trang, đặc biệt là tại các nơi có tụ tập đông người như chợ, siêu thị, cơ sở sản xuất, bến tàu, đám cưới, đám tang, trên các phương tiện giao thông công cộng...; các nhà ăn tập thể phải bố trí ngồi giãn cách, có rào chắn...
- Kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, đặc biệt các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp trên địa bàn. Yêu cầu công nhân khu công nghiệp thực hiện khai báo y tế hàng ngày. Người quản lý khu công nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp chịu trách nhiệm về thực hiện phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các bất cập, lỗ hổng, vi phạm, nhất là về việc không đeo khẩu trang, tụ tập đông người. Không cho phép người không khai báo y tế đến làm việc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kể cả xử lý hình sự và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương.
- Thực hiện các biện pháp khoanh vùng, cách ly đối với các khu ký túc xá, nhà trọ của công nhân, người lao động liên quan các ca F0, F1 tại khu dân cư với phương châm gọn nhất có thể.
2. Các Bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng, Công thương, Giao thông vận tải chủ động, thường xuyên trao đổi với địa phương để sẵn sàng chi viện, hỗ trợ địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: tổ chức cách ly, khoanh vùng, xét nghiệm và điều trị người nhiễm Covid-19; bảo đảm lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội, không để xảy ra tình trạng ngăn sông cấm chợ.
3. Bộ Y tế:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Quốc phòng, Công Thương, Giao thông vận tải,... tổng kết, đánh giá, đúc kết kinh nghiệm, biện pháp hay về phòng, chống dịch COVID-19của một số địa phương, để phổ biến đến các tỉnh, thành phố trên cả nước.
- Tiếp tục khẩn trương xem xét các loại sinh phẩm, phương pháp hiện đại hơn, thời gian xét nghiệm ngắn hơn, hiệu quả hơn để chỉ đạo thử nghiệm và hướng dẫn các địa phương thực hiện.
- Khẩn trương kiện toàn, kích hoạt lại tổ thông tin đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo Quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia tại Thông báo số 97/TB-VPCP ngày 06/5/2021 của Văn phòng Chính phủ.
4. Bộ Công Thương: khẩn trương tổ chức tập huấn các địa phương, doanh nghiệp về việc thực hiện quy định về an toàn COVID-19; định kỳ thực hiện việc sàng lọc COVID-19đối với người lao động; áp dụng các biện pháp cơ bản trong phòng, chống dịch (hạn chế dùng điều hòa; để môi trường làm việc, lao động thông thoáng,...).
5. Bộ Công an: chỉ đạo công an các địa phương tham mưu để Chính quyền tỉnh có văn bản thông báo đến các tỉnh có liên quan và các địa phương thuộc tỉnh danh sách các phương tiện đưa đón cán bộ, công chức, người lao động tham gia giao thông để không ách tắc trên các tuyến. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "ngăn sông cấm chợ" ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông: chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, các bộ cơ quan liên quan và các địa phương khẩn trương hoàn thiện quy trình giám sát các phương tiện tham gia giao thông theo yêu cầu phòng, chống dịch; khẩn trương hoàn thiện phần mềm theo dõi tình hình dịch, cập nhật lên bản đồ dịch.
7. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an: chủ động huấn luyện, tập huấn cho cán bộ chiến sỹ trong lực lượng phương pháp, kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi dịch bùng phát trên diện rộng, nhất là ở các khu công nghiệp có đông người lao động.
8. Bộ Y tế: bổ sung quy định, hướng dẫn việc bắt buộc khai báo y tế và quét mã QR khi đến các địa điểm như bệnh viện, sân bay, nhà ga, bến tàu,...
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tùy vào điều kiện cụ thể trên địa bàn quyết định việc bắt buộc khai báo y tế và quét mã QR khi đến các địa điểm khác.