MAY MẮN KHI TỪ BỎ CÂY THUỐC LÀO
Nhớ lại thời điểm cách đây 15 năm, khi cả làng, cả xã trồng thuốc lào ông Nguyễn Văn Siu (xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ) vẫn cảm thấy rùng mình bởi cái mùi nồng nặc, nôn nao mỗi khi vào vụ thu hoạch thuốc. Ngày đó mặc dù biết thuốc lào rất nguy hiểm nhưng địa phương nơi ông sinh sống là vùng trồng thuốc lào nổi tiếng, đa phần xung quanh ông ai ai cũng hút thuốc, ông cũng thế, chỉ đến khi thường xuyên bị ho, sốt, tức ngực, khó thở, sức khỏe suy kiệt... phải nhập viện điều trị định kỳ hàng tháng với căn bệnh co thắt đường hô hấp phổi ông mới bỏ hẳn được thuốc lào.
Cây thuốc lào gắn với người dân Quỳnh Hải rất nhiều năm, đây là loại cây vụ màu có thời gian canh tác dài nhất trong năm. Kể từ khi gieo hạt đến lúc thu hái, cây thuốc lào tốn rất nhiều công sức, vất vả và gian truân hơn so với trồng cây rau màu khác.Vậy nên từ khi thoát khỏi nghề trồng cây thuốc lào, người dân nơi đây cho rằng đó là điều may mắn nhất. Năm 1993, thuốc lào xuống giá, kéo theo thu nhập thấp, đời sống một số bộ phận người dân không ổn định, môi trường sống thì ô nhiễm. Vì thế, chính quyền địa phương xã Quỳnh Hải đã vào cuộc vận động, chỉ đạo bà con nhân dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Và quả thật đất đã không phụ công người, một vùng nông thôn mới ngày càng đổi thay và trù phú, đường làng ngõ xóm bê tông hóa, môi trường sống trong sạch và lành mạnh. Quỳnh Hải ngày nay được biết đến là mô hình nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thái Bình, với cánh đầu kiểu mẫu có diện tích trên 120 ha. Thế mạnh của cánh đồng này là sản xuất các loại rau màu, cây gia vị trái vụ phục vụ tiêu dùng. Mỗi năm nông dân thường luân canh 6 vụ trên một diện tích, mỗi ha canh tác thu về hàng tỷ đồng/ năm.
Do tổ chức tốt công tác quy hoạch vùng sản suất, lựa chọn công thức luân canh, xen canh phù hợp, cập nhật kịp thời các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên nông sản Quỳnh Hải có lợi thế cạnh tranh rất lớn trên thị trường. Cách làm sáng tạo và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp của Quỳnh Hải đã thu hút nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh đến học tập mô hình và áp dụng thực tiễn.
Trong sản xuất cơ cấu cây trồng là vậy, còn trong phong trào xây dựng môi trường không khói thuốc lá Quỳnh Hải đã triển khai quyết liệt với nhiều biện pháp cứng rắn. Ông Đỗ Công Chuân - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hải chia sẻ:“Cán bộ công chức của ủy ban xã tuyệt đối không có ai hút thuốc lá tại trụ sở, còn người dân hay khách đến liên hệ công việc nếu ai hút thuốc lá sẽ được nhắc nhở ngay về nội quy.Tại cộng đồng việc hút thuốc lá, thuốc lào đã giảm đáng kể, chỉ còn 20% nam giới hút, chủ yếu vẫn là những người trung tuổi, trước kia do nhà trồng thuốc lào nên có thâm niên hút lâu năm, khó bỏ. Tất cả các lãnh đạo thôn, làng đều ký cam kết không hút thuốc lá và đưa nội dung quy định về việc không hút thuốc lá trong đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước của thôn. Đảng viên luôn gương mẫu đi trước trong mọi phong trào hoạt động. Ai bị phát hiện còn hút thuốc tại trụ sở người đó sẽ bị hạ thi đua theo đúng quy chế. Việc từ bỏ trồng cây thuốc lào thực sự đã giúp cho môi trường và cuộc sống người dân trong xã có rất nhiều đổi thay”.
UBND xã Quỳnh Hải với tổng số 21 cán bộ, công chức, trong đó 18 nam giới. 5 năm trước, UBND xã Quỳnh Hải có tới 90% nam giới hút thuốc lá nhưng nhờ tuyên truyền, vận động, đưa vào nội quy, quy chế thi đua, tại xã hiện chỉ còn 01 trường hợp chưa bỏ hẳn được thuốc lá. Một trong những tấm gương điển hình bỏ thuốc là anh Hoàng Mạnh Túy (cán bộ công thương của xã), anh có thâm niên 20 năm hút thuốc lá nhưng khi có quyết định về công tác tại xã, anh bắt đầu phải nghĩ đến chuyện cai thuốc lá và anh đã bỏ thuốc lá thành công được 2 năm nay.
Tuy nhiên, ngược lại với xã Quỳnh Hải, một thực tế hiện nay tại Thái Bình, vẫn còn một vài địa phương vẫn duy trì việc trồng cây thuốc lào, mặc dù địa phương có chủ trương chuyển đổi nhưng chưa mạnh dạn từ bỏ thứ cây trồng vừa cay, vừa đắng này. Những hệ lụy đằng sau việc trồng cây thuốc lào là người dân phải chịu một bầu không khí ô nhiễm, ngột ngạt mỗi khi mùa thu hoạch tới. Khói thuốc lào chứa nhiều yếu tố nguy hiểm, có thể gây ra bệnh nhồi máu cơ tim, ảnh hưởng xấu đến tuần hoàn, hô hấp, đường ruột và hệ thống bài tiết. Người hút thuốc lào có nguy cơ cao mắc các bệnh Ung thư vòm họng, Phổi, Thực quản, Đại tràng; bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính, Đau thắt ngực, Nhồi máu cơ tim, Tai biến mạch não... Nguy hại là vậy, nhưng đi đôi với trồng cây cây thuốc lào, tỷ lệ người dân hút thứ mầm độc này tương đối cao, tỷ lệ người mắc bệnh và tử vong do ung thư đang ngày một gia tăng.
Nhiều người cho rằng, hút thuốc lào muốn bỏ lúc nào cũng được và tác hại ít hơn thuốc lá nên số lượng người hút thuốc lào vẫn tăng. Trên thực tế, thuốc lào là một thứ rất dễ nghiện và khó bỏ. Chính vì vậy, để các địa phương sớm có chủ trương, mạnh dạn từ bỏ trồng cây thuốc lào, Chương trình Phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh Thái Bình đã chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức tại cộng đồng, từ nói chuyện chuyên đề, tập huấn đến hái hoa dân chủ, biểu diễn tiểu phẩm truyền thông theo hình thức sân khấu hóa, đồng diễn thể thao không khói thuốc giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ và dần từ bỏ việc hút thuốc lá, thuốc lào.
Thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh tật và tử vong nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu mọi người thực hiện nghiêm theo những quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng, chống tác hại của thuốc lá thực sự rất quan trọng. Thiết lập môi trường không có khói thuốc lá đã được chứng minh là cách tiếp cận đơn giản, hiệu quả để dự phòng phơi nhiễm và tác hại liên quan đến thuốc lá, thuốc lào gây ra./.