Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại Thái Bình
Mỗi ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình đón tiếp gần 300 lượt người đến khám, điều trị bệnh, trong số đó có tới 70% trường hợp mắc các bệnh không lây nhiễm. Song song với việc nâng cao năng lực sàng lọc và cảnh báo sớm các bệnh không lây nhiễm tại đơn vị, hoạt động truyền thông luôn được Trung tâm chú trọng. Sau những lần được các y, bác sỹ hướng dẫn, tuyên truyền, phần lớn số người đến khám bệnh tại đây đã thay đổi nhiều thói quen có lợi cho sức khỏe, từ việc tăng cường luyện tập, thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý đến việc sử dụng thuốc đầy đủ, đúng phác đồ khi được phát hiện bệnh.
Ông Đồng Văn Minh, Thị trấn Diêm Điền - Thái Thụy, bị mắc bệnh Đái tháo đường kèm theo bệnh Bướu cổ đã 10 năm nay, mỗi tháng một lần, ông đều đặn tìm đến Trung tâm để khám, xét nghiệm và điều trị bệnh theo chỉ định của bác sỹ.
Cùng với Đái tháo đường thì Tăng huyết áp là một trong những bệnh không lây nhiễm nguy hiểm và phổ biến trong cộng đồng, được coi là “sát thủ” thầm lặng khi bệnh gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến não, tim, mắt, các mạch máu lớn và người bệnh phải sống chung với nó suốt đời...
Bà Bùi Thị Phin (68 tuổi)- xã Hòa An - huyện Thái Thụy bị bệnh Tăng huyết áp đã gần 20 năm nay. Cứ vài ngày, bà lại đến Trạm Y tế xã để kiểm tra huyết áp và duy trì sử dụng thuốc hàng ngày. Tuy nhiên, bà lại mắc thêm cả bệnh Bướu cổ và Tim mạch nên 02 tháng một lần bà đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để khám, xét nghiệm và lĩnh thuốc điều trị. Tại đây, cán bộ y tế nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn uống, thăm khám và cấp thuốc định kỳ nên bệnh tình của bà duy trì ổn định.
Trong nhiều năm qua, ngành Y tế tập trung củng cố, phát triển hệ thống dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm từ tỉnh đến cơ sở; củng cố hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh để cung cấp các dịch vụ toàn diện, chuyên sâu và kỹ thuật cao cho chẩn đoán, điều trị bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm...Việc xây dựng mô hình điểm dự phòng, chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh không lây nhiễm theo nguyên lý y học gia đình đã, đang được ngành Y tế triển khai thí điểm tại tuyến y tế cơ sở. Thông qua mô hình này, các Trạm y tế đã tăng cường công tác dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị lâu dài các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng. Đặc biệt chú trọng tư vấn, lập danh sách quản lý các trường hợp nguy cơ cao, đồng thời tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho nhân dân về gánh nặng bệnh tật và mối nguy hiểm là biến chứng hoặc tử vong do các bệnh không lây nhiễm gây ra.
Tại tuyến tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được giao làm đầu mối quản lý, thực hiện chương trình phòng, chống bệnh Đái tháo đường, bệnh Ung thư, bệnh Tăng huyết áp, bệnh Bướu cổ...Trong thời gian qua, Trung tâm đã triển khai lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm dựa vào cộng đồng. Hoạt động đã triển khai ở 60 xã, thị trấn, được người dân hưởng ứng tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, hàng nghìn trường hợp đã được khám, sàng lọc bệnh Đái tháo đường ngay tại cơ sở. Gần 28 nghìn người được khám, quản lý, điều trị bệnh Đái tháo đường tại Trung tâm và 13 Bệnh viện Đa khoa huyện. Năm 2019, toàn tỉnh quản lý, theo dõi, điều trị gần 4.000 người bệnh ung thư. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai khám, sàng lọc Ung thư cổ tử cung cho trên 3.000 phụ nữ, phát hiện, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Theo một số nghiên cứu khoa học, khi người dân đã kiểm soát được cả yếu tố, nguy cơ thì đã phòng được 80% các bệnh không lây nhiễm như là Đái tháo đường, Tăng huyết áp và các bệnh Phổi mãn tính, giảm 40% với bệnh lý Ung thư. Khi người dân chủ động giám sát, phát hiện ra bệnh sớm, cần điều trị và quản lý lâu dài tại các cơ sở y tế ban đầu thì có thể giảm được tỉ lệ bệnh, kiểm soát tốt các bệnh không lây nhiễm đó.Việc quản lý và điều trị, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở được coi là rất quan trọng và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Đây là tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, sẽ góp phần quản lý sớm, phát hiện, tư vấn các bệnh mãn tính, giảm bớt chi phí, gánh nặng cho xã hội.
Bệnh không lây nhiễm còn được gọi là “bệnh mạn tính” bởi vì quá trình hình thành bệnh diễn ra trong nhiều năm, thường là bắt đầu từ tuổi trẻ, đòi hỏi việc điều trị có hệ thống và lâu dài, thậm chí cả cuộc đời. Do đó cùng với tăng cường năng lực hệ thống y tế để phát hiện sớm, quản lý, điều trị thì người dân có thể chủ động phòng chống hiệu quả thông qua kiểm soát các yếu tố nguy cơ như: hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và ít hoạt động thể lực.
Thời gian tới, các đơn vị y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở là tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về các biện pháp phòng, chống bệnh không lây nhiễm, đồng thời tiếp tục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực làm công tác dự phòng. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự giác đi khám sức khỏe định kỳ (ít nhất 6 tháng/lần) để phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm, quản lý, điều trị kịp thời nhằm hạn chế biến chứng và tử vong, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân./.
Vũ Khuyên