NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI MẮC BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP
Tăng huyết áp (THA) hay còn gọi là Cao huyết áp là một bệnh lý tim mạch mãn tính xảy ra khi áp lực máu trong động mạch cao hơn mức bình thường. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên toàn thế giới và tại Việt Nam. Bệnh tiến triển âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng nhưng lại để lại hậu quả nghiêm trọng nếu không được kiểm soát kịp thời.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam có khoảng 12 triệu người mắc tăng huyết áp, tương đương với 20% dân số trưởng thành. Tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, với nhiều trường hợp được phát hiện ở độ tuổi từ 25 - 64 tuổi. Điều đáng lo ngại là chỉ khoảng 1/3 số người được điều trị tăng huyết áp kiểm soát được huyết áp.
1. Thế nào là Tăng huyết áp?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, một người được coi là bị Tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu (số trên) từ 140 mmHg trở lên, hoặc huyết áp tâm trương (số dưới) từ 90 mmHg trở lên, trong ít nhất hai lần đo riêng biệt. Huyết áp bình thường được xác định ở mức khoảng 120/80 mmHg.
2. Nguyên nhân gây Tăng huyết áp
Tăng huyết áp có thể được chia thành hai loại: tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát.
Tăng huyết áp nguyên phát (chiếm khoảng 90–95% các trường hợp): Không rõ nguyên nhân cụ thể nhưng liên quan đến các yếu tố nguy cơ như tuổi tác, di truyền, béo phì, ăn mặn, ít vận động, hút thuốc lá, stress kéo dài…
Tăng huyết áp thứ phát: Gây ra bởi các bệnh lý như bệnh thận, rối loạn nội tiết hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc.
3. Biến chứng của bệnh Tăng huyết áp
Tăng huyết áp nếu không được điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm:
Tim mạch: Nhồi máu cơ tim, suy tim...
Não: Tai biến mạch máu não, đột quỵ, giảm trí nhớ.
Thận: Suy thận mãn, tổn thương cầu thận.
Mắt: Xuất huyết võng mạc, giảm thị lực, mù lòa.
4. Những điều cần lưu ý khi mắc bệnh Tăng huyết áp
Kiểm soát huyết áp thường xuyên: Người bệnh cần đo huyết áp đều đặn mỗi ngày, nhất là vào buổi sáng và tối. Nên sử dụng máy đo huyết áp tại nhà để theo dõi sát sao.
Tuân thủ điều trị thuốc: Việc dùng thuốc hạ huyết áp và các thuốc hỗ trợ tăng sức đề kháng, tăng cường tuần hoàn não... phải theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý dừng thuốc hạ huyết áp dù huyết áp có dấu hiệu ổn định.
Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý
Giảm muối: Chỉ nên dùng dưới 5g muối mỗi ngày, hạn chế sử dụng mì chính, nước chấm mặn như nước mắm, mắm tôm...
Tăng cường rau xanh, trái cây, các loại hạt và thực phẩm giàu kali.
Hạn chế chất béo bão hòa, đường, rượu bia, cà phê.
Không hút thuốc lá.
Tập luyện thể dục đều đặn: Đi bộ, bơi lội, yoga hay đạp xe 30 phút mỗi ngày giúp cải thiện huyết áp và tim mạch.
Giữ tinh thần thoải mái: Căng thẳng là một yếu tố làm tăng huyết áp. Người bệnh nên duy trì tâm trạng lạc quan, ngủ đủ giấc, tránh làm việc quá sức và suy nghĩ căng thắng.
Kiểm soát cân nặng: Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ cao do đó việc giảm cân, kiểm soát cân nặng sẽ giúp cải thiện huyết áp hiệu quả.
5. Các biện pháp phòng tránh Tăng huyết áp
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, vì vậy mọi người nên áp dụng lối sống lành mạnh ngay cả khi chưa mắc bệnh. Khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần, duy trì chế độ ăn uống hợp lý, vận động thường xuyên và không hút thuốc lá là những biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa tăng huyết áp.
Tăng huyết áp là căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu người bệnh có ý thức chăm sóc sức khỏe và tuân thủ chỉ định điều trị. Việc duy trì lối sống lành mạnh và theo dõi huyết áp đều đặn là chìa khóa để sống khỏe mạnh cùng căn bệnh này./.