Phòng, chống Cúm gia cầm
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình, trong tuần thứ 16 Thái Bình ghi nhận 588 trường hợp mắc Hội chứng Cúm, chủ yếu là các chủng Cúm B, Cúm A thông thường. Không xuất hiện các chủng cúm A có độc lực cao (H5/N1, H7/N9,…), tổng số trường hợp mắc Hội chứng Cúm của tỉnh Thái Bình từ đầu năm 2024 đến nay là 8.911 trường hợp.
Hiện nay, thời tiết giao mùa Xuân Hè nóng ẩm thất thường là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút phát triển và gây bệnh. Mới đây, Bộ Y tế đã thông tin về trường hợp mắc Cúm A/H9 tại Tiền Giang. Trước đó, vào cuối tháng 3, một bệnh nhân 21 tuổi tại Khánh Hòa tử vong do nhiễm cúm A/H5N1. Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 01 ca Cúm A (H5/N1) và 01 ca Cúm A (H9/N2) ở người tại 02 tỉnh (Nha Trang và Tiền Giang). Thái Bình tuy chưa có trường hợp nào mắc các chủng Cúm như trên, song hiện nay vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Cúm gia cầm sang người.
Cúm gia cầm có thể lây từ nhiều nguồn khác nhau. Bên cạnh việc tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh thì nguy cơ lây bệnh có thể đến từ vật nuôi trong gia đình, vì vậy mỗi người dân, đặc biệt là những gia đình có nuôi gia cầm, gia súc cần tuân thủ nghiêm quy định của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh.
Để chủ động phòng, chống dịch Cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như:
- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
- Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.
- Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời./.