Quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin COVID-19
Để chủ động hạn chế nguy cơ ảnh hưởng của chất thải phát sinh trong quá trình tiêm chủng tới sức khỏe và môi trường, Sở Y tế đã ban hành Công văn số 606/NVY-SYT ngày 15/4/2021 về việc hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên cơ sở thực hiện Công văn số 102/MT-YT ngày 04 tháng 3 năm 2021 của Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế về Hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Công văn yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị y tế trong tỉnh chỉ đạo thực hiện các nội dung cụ thể như: Tổ chức triển khai cho toàn bộ nhân viên trong đơn vị hiểu và thực hiện đầy đủ các nội dung hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại đơn vị. Bố trí kinh phí mua sắm phương tiện, hoá chất, vật tư bảo đảm yêu cầu an toàn trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Kiểm tra, giám sát khoa, phòng tiêm chủng thực hiện nghiêm túc việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh trong hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng COVD-19. Báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện (nếu có) về Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế. Đồng thời, ban hành kèm theo Hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng COVD-19. Hướng dẫn yêu cầu cụ thể về việc thực hiện quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin gồm quá trình phân loại chất thải và cơ sở thực hiện tiêm chủng. Lập phương án quản lý chất thải phát sinh trong tiêm chủng vắc xin, trong đó xác định rõ dự kiến lượng chất thải phát sinh trong tiêm chủng, biện pháp thu gom, lưu giữ chất thải; công nghệ xử lý chất thải (nếu xử lý tại cơ sở tiêm chủng trong trường hợp cơ sở đã có sẵn công trình/thiết bị xử lý đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường) hoặc tên đơn vị có chức năng phù hợp sẽ ký hợp đồng chuyển giao chất thải để xử lý; dự kiến kinh phí cho toàn bộ quá trình quản lý chất thải. Trường hợp không tìm được đơn vị có chức năng phù hợp để chuyển giao chất thải, cơ sở tiêm chủng phải báo cáo Sở Y tế để xin ý kiến Uỷ ban nhân dân tỉnh về phương án xử lý. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn về quản lý chất thải tới các cán bộ của cơ sở tiêm chủng. Bố trí đủ túi, thùng, dụng cụ đựng chất thải lây nhiễm sắc nhọn, chất thải lây nhiễm không sắc nhọn và các chất thải khác phát sinh trong tiêm chủng theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế và các văn bản có liên quan. Thực hiện phân loại, thu gom, lưu giữ chất thải phát sinh từ hoạt động tiêm chủng theo hướng dẫn nêu tại Mục II. Bàn giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để vận chuyển, xử lý chất thải hoặc tự xử lý tại cơ sở bằng công trình, thiết bị xử lý đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường theo phương án đã được phê duyệt. Đảm bảo không rơi vãi, phát tán chất thải trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, đảm bảo an toàn cho người thực hiện tiêm chủng, người tham gia quản lý chất thải y tế, người đến tiêm chủng và cộng đồng nhằm chủ động hạn chế nguy cơ ảnh hưởng của chất thải phát sinh trong quá trình tiêm chủng tới sức khỏe và môi trường./.