Sở Y tế Thái Bình: Triển khai kế hoạch phòng, chống tham nhũng năm 2021
Nhằm tích cực phòng ngừa và phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh người có hành vi tham nhũng tiêu cực, lãng phí, nhằm xây dựng ngành Y tế vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Y tế tận tâm, trung thực, kỷ cương, liêm chính trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ; đưa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của mỗi cơ quan đơn vị y tế, ngày 05/01/2021, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-SYT về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.
Kế hoạch ban hành đảm bảo yêu cầu nắm vững mục tiêu, quan điểm phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, coi các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn là chủ trương, chiến lược cơ bản lâu dài trong PCTN. Cụ thể hoá các nhiệm vụ, biện pháp và tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương, biện pháp đề ra trong các văn bản pháp quy, chương trình, Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và các tổ chức đoàn thể của cơ quan đơn vị và toàn thể công chức, viên chức, người lao động, trước hết là Đảng viên, cán bộ chủ chốt và đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu đối với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nội dung của Kế hoạch tập trung vào các vấn đề như sau:
Tiếp tục quán triệt Luật phòng, chống tham nhũng: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nghiên cứu, quán triệt Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản có liên quan; Chương trình hành động về phòng, chống tham nhũng của tỉnh, của ngành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng. Mỗi cán bộ Đảng viên, công chức, viên chức trong ngành Y tế cần tiếp thu, quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã ban hành về phòng, chống tham nhũng. Mỗi CBCCVCNLĐ căn cứ vào vị trí, nhiệm vụ công tác được giao để xây dựng kế hoạch hành động của bản thân, phấn đấu thực hiện, tự mình gương mẫu thực hiện và kiểm tra, giám sát lẫn nhau trong công việc thực tế hằng ngày. Gắn việc rèn luyện tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ Đảng viên, công chức, viên chức với việc thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.
Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị: Việc công khai, minh bạch phải bảo đảm chính xác, rõ ràng, đầy đủ, kịp thời theo trình tự, thủ tục do cơ quan, tổ chức đơn vị có thẩm quyền quy định và phù hợp với quy định của pháp luật. Tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh Quy chế Dân chủ, Quy chế hoạt động của cơ quan, đơn vị; Quy chế chi tiêu nội bộ; Quy chế Văn hóa công sở, Quy chế quản lý tài chính, tài sản công,… cho phù hợp với quy định của Luật phòng, chống tham nhũng. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế Chi tiêu nội bộ của cơ quan đơn vị để mọi người cùng kiểm tra, giám sát và thực hiện, định kỳ có sơ kết, tổng kết đánh giá, đồng thời bổ sung, sửa đổi những nội dung mới trong chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị, đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tiễn hoạt động của cơ quan, đơn vị. Thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính và ngân sách nhà nước; mua sắm tài sản công; xây dựng cơ bản… theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật có liên quan. Thực hiện công khai, minh bạch trong công tác nhân sự thuộc thẩm quyền quản lý, cụ thể: Công khai trong công tác tuyển dụng, hợp đồng viên chức, người lao động; công khai trong công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, khen thưởng, kỷ luật, nâng lương, chuyển ngạch lương..vv đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thực hiện việc chuyển đổi một số vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị ở các chức danh theo Nghị định 158/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định150/2013/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158/2007/NĐ-CP, nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng. Thực hiện nghiêm túc Thông tư số 07/2014/TT-BYT ngày 25/02/2014 của Bộ Y tế Quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế. Thủ trưởng các đơn vị phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở củng cố và phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban thanh tra nhân dân trong công tác giám sát các hoạt động của đơn vị. Thường xuyên quan tâm, kịp thời chấn chỉnh những tiêu cực phát sinh, giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. Những đơn vị liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh phải công khai các thủ tục giấy tờ hành chính, thời gian giải quyết cho từng loại công việc, giá viện phí, lệ phí, thuốc vật tư tiêu hao, nội quy, sơ đồ chỉ dẫn, quy trình giải quyết việc khám bệnh, chữa bệnh, quy định quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh và người nhà đến thăm và chăm sóc người bệnh. Vận động cán bộ, nhân dân chủ động, tích cực phòng, chống tham nhũng, cung cấp cho tổ chức, cơ quan có thẩm quyền các thông tin về cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Y tế có biểu hiện tham nhũng để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Bố trí lắp đặt hòm thư góp ý tại các khoa, phòng theo quy định, công khai đúng, đủ số điện thoại đường dây nóng tại các vị trí để người dân biết tham gia.
Thực hiện việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập: Việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập thực hiện đúng quy định tại Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức đơn vị. Việc kê khai, công khai tài sản thu nhập phải đảm bảo chính xác, trung thực, đầy đủ, rõ ràng, đúng thời gian theo quy định của pháp luật.
Thực hiện cải cách hành chính: Tiến hành rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định nội bộ về quy trình, thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây phiền hà cho việc tiếp nhận và giải quyết công việc, nhất là những công việc liên quan đến người dân, kiên quyết loại bỏ những khâu trung gian, những thủ tục rườm rà, chồng chéo, những loại giấy tờ không cần thiết. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các phòng chuyên môn, thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết kịp thời các nội dung công việc chuyển về từ trung tâm hành chính công của tỉnh. Đảm bảo trả kết quả kịp thời, đúng thời gian quy định, nhằm tạo ra sự thuận tiện, hiệu quả, tránh được phiền hà, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết công việc.
Tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước: Thực hiện chuẩn hóa công chức, viên chức trên cơ sở các tiêu chuẩn về chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử. Thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá cán bộ hàng năm. Tiếp tục cụ thể hóa chức năng nhiệm vụ của từng cá nhân, từng đơn vị công tác; quy rõ trách nhiệm và biện pháp xử lý người đứng đầu bộ phận, khoa phòng, cơ quan đơn vị để xảy ra tham nhũng. Củng cố, kiện toàn lực lượng thanh tra của thủ trưởng, tạo điều kiện cho ban thanh tra nhân dân hoạt động, để tổ chức này phát huy vai trò vị trí của mình trong hoạt động kiểm tra giám sát các hoạt động của đơn vị. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có vi phạm, công khai kết quả giải quyết để mọi người giám sát. Duy trì công tác tiếp công dân vào ngày 15 hàng tháng và thực hiện việc đăng ký tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. theo đúng quy định của pháp luật. Lãnh đạo Sở Y tế, Trưởng các phòng của Sở và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý, nhằm phòng ngừa và phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh người có hành vi tham nhũng tiêu cực, lãng phí. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích trong việc đấu tranh, phát hiện các hành vi tham nhũng. Cán bộ, viên chức của đơn vị nếu có hành vi tham nhũng, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc kiến nghị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng.
Kế hoạch cũng phân công rõ trách nhiệm và biện pháp tổ chức thực hiện là: Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Sở Y tế do Giám đốc Sở làm Trưởng ban. Giao cho Thanh tra sở là cơ quan thường trực, tham mưu giúp BCĐ xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng ở các đơn vị trực thuộc sở. Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Sở Y tế về tình hình phòng, chống tham nhũng của các đơn vị trong ngành theo quy định. Các đơn vị trong ngành, định kỳ báo cáo BCĐ PCTN Sở Y tế (qua Thanh tra sở) về tình hình phòng, chống tham nhũng của đơn vị mình theo quy định. Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Y tế căn cứ nội dung Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, góp phần cùng với các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả Luật phòng, chống tham nhũng nhằm xây dựng cơ quan đơn vị trong sạch vững mạnh. Ban chỉ đạo PCTN của Sở Y tế sẽ tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác PCTN ở các đơn vị./.